Đói, ăn uống một mình, lo ngại an ninh, xuất hiện một số điểm ùn tắc mới… Đó là một số ý kiến của các đại biểu tại buổi họp bàn đánh giá kế quả sau 5 ngày thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội vào chiều qua, 6/2, do Sở Giao thông vận tải và Sở Giaos dục Đào tạo Hà Nội tổ chức…
Giáo viên bí chuyện gửi con
Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên – Sở GDĐT Hà Nội, ông Mai Sỹ Nhật - nói đây là một quan điểm đúng đắn nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả của chủ trương trên. “Với chức năng của mình, chúng tôi cũng thể đánh giá được. Việc đánh giá có giảm được ùn tắc hay không chỉ có Sở GTVT mới đánh giá được”, ông Nhật cho hay.
...mặc dù buổi sáng ít ùn tắc, nhưng buổi chiều thì vẫn ùn ứ. |
Đại diện Sở GDĐT cho biết, đối với khối học sinh THPT và THCN, rất nhiều trường học, nhất là trường dân lập một trường có rất nhiều cấp học, 80% là học hai ca. Cho đến giờ rất nhiều trường có văn bản kiến nghị điều chỉnh lại giờ học nhưng phía Sở chưa cho phép. Kể từ khi thay đổi giờ, vướng mắc xuất hiện là cấp tiểu học, mầm non làm tăng thêm giờ làm cho giáo viên. “Vì chúng ta phải bố trí thời gian coi trẻ khi phụ huynh chưa đến”, ông Nhật, nói.
“Nặng nề nhất là khối THPT, 19 giờ kết thúc là quá muộn, giờ chào cờ, giờ đứng lớp, các hoạt động ngoại khóa gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí. Điều này làm ảnh hưởng tâm sinh lý của học sinh, 19 giờ mới kết thúc, về đến nhà 20 giờ, ăn cơm một mình, mệt mỏi, muộn thế thì học sao nữa, đảo lộn sinh hoạt. Đáng chú ý, nhiều trường ngoại thành, học sinh về muộn rất lo sợ về an ninh trường học, nhất là khi các em về đi qua khu vực vắng vẻ”, phía Sở GDĐT lo ngại.
Trong khi đó, một thực tế là “đông đảo giáo viên đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ”, nhiều người không biết gửi con ở đâu cho đến 7- 8 giờ tối. Trường dân lập đưa đón xe ô tô cũng rất khó. Vì các trường đâu có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là đi thuê. Nay vì đổi giờ, rất vướng mắc. Một xe ô tô, vì phân luồng lệch nhau dẫn đến phải tăng ca, tăng chuyến.
Nhận thấy những trở ngại như thế, tuy nhiên, đại diện ngành giáo dục Hà Nội cho hay vẫn phải yêu cầu các trường nghiêm chỉnh chấp hành quy định của thành phố. Đồng thời, không được phép thu thêm bất kỳ một khoản nào của các em học sinh. Học sinh đi học muộn thì phải mở cửa đón các em, phải chấp nhận những điều đó trong giai đoạn đầu. Các trường tổng hợp ý kiến, tính toán mọi thứ, kể cả chi phí phát sinh. “Đặc biệt, chỉ được phép điều chỉnh giờ khi trung ương, thành phố cho phép. Sau một tháng, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo và có kiến nghị cụ thể về việc này”, theo ông Nhật.
Lấy hiệu quả kinh tế xã hội để đánh giá
Theo ông Lê Anh Sắc - Phó trưởng Phòng Đào tạo (Đại học Kinh doanh và công nghệ), thì việc đổi giờ học sinh, sinh viên đã tác động lớn đến quy trình đào tạo của trường mình. “Chúng tôi cho là cần phải đánh giá lại một cách tổng hợp những cái được và mất của chủ trương đổi giờ làm. Chúng ta được gì và mất gì.
Đề nghị lấy hiệu quả kinh tế xã hội để đánh giá. Riêng trường tôi, làm ảnh hưởng rất lớn vì chúng tôi đang học 3 ca, nên việc khai thác cơ sở vật chất của trường là hợp lý. Nay chúng tôi không học được 3 ca nên chi phí cho sinh viên sẽ tăng thêm 30%. Chúng tôi đề nghị thành phố là kết thúc ca chiều vào 18h”, ông Sắc nêu ý kiến.
Về phái ngành giao thông vận tải, Giám đốc Sở này – ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, đây là thời điểm qúa sớm để đánh giá hiệu quả của chủ trương phân giờ.
Tại cuộc họp, theo một đại diện Cảnh sát Giao thông Hà Nội, mặc dù buổi sáng ít ùn tắc, nhưng buổi chiều thì vẫn ùn ứ. Đặc biệt, đã phát sinh thêm một số điểm ùn tắc mới từ khi tiến hành thay đổi giờ học …
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã “bắt” chứng minh có phải “ùn tắc là do đổi giờ” đối với đại diện của lực lượng cảnh sát giao thông đã nêu ý kiến và nhiều đại biểu tại cuộc họp đều khẳng định ùn tắc là do đổi giờ.
Việt Hưng