Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 300.000 tấn, trong đó lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ chiếm khoảng 10%.
Theo một khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 65 làng nghề, thì chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Tỷ lệ này quá nhỏ so với con số làng nghề nói trên. Trong khi đó, Hà Nội có đến 1.350 làng nghề.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Và Cộng đồng (CECR) cũng cho thấy, có tới 80/120 ao hồ của Hà Nội bị ô nhiễm. Trong số đó, 71% hồ có giá trị BOD5 >15mg/l - vượt quá tiêu chuẩn cho phép; 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% hồ bị ô nhiễm nhẹ. Ngoài ra, các chỉ tiêu khác như: nồng độ COD, NH4..., trong hầu hết các hồ cũng đều vượt quá giá trị cho phép.
Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… ngày càng tăng. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm asen trong ăn uống sẽ khiến con người bị mắc bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày và ung thư da.
Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản. Hậu quả của ô nhiễm nguồn nước còn gây ra tổn thất cho nền kinh tế. Vì phải tốn thêm nhiều chi phí để khắc phục và xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo quy hoạch đến năm 2030, khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội sẽ đầu tư và xây dựng 13 nhà máy xử lý nước thải |
Để cải thiện nguồn nước, theo các chuyên gia điều quan trọng nhất là xuất phát từ chính ý thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay, góp sức, đồng lòng từ phía chính quyền và người dân.
Một trong những giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải.
Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay tại Hà Nội, hầu hết các sông, hồ ô nhiễm đều là do nguồn nước thải đổ thẳng vào.
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho biết: “Nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để. Về lâu dài phải áp dụng các biện pháp "cứng rắn" như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty”.
Đối với việc xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề, các chuyên gia cũng cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm.
GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: "Cần xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm”.
Trong thời gian tới, theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội năm 2030, tầm nhìn năm 2050, khu vực trung tâm Thành phố sẽ đầu tư và xây dựng 13 nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất lên đến 905.000m3/ngày đêm, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước cho người dân.
Tính đến tháng 9/2021, thành phố đã xây dựng xong 5 nhà máy xử lý nước thải bao gồm: Yên Sở, Trúc Bạch, Kim Liên, Hồ Tây và Hồ Bảy Mẫu. Hiện các nhà máy này đã đảm bảo công suất 232.300 m3/ ngày đêm, chiếm 26% tổng lượng nước thải tại trung tâm thành phố.