Tại hội nghị, nhiều biên bản, quy chế phối hợp đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký kết với các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về tăng cường hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội; Quy chế phối hợp về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc phối hợp đẩy mạnh phát triển viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin; Hợp tác đầu tư với Tập đoàn Vingroup về nghiên cứu phát triển vùng trồng rau sạch và chuỗi cung cấp rau sạch cho người dân thành phố...
Quy chế hợp tác đầu tư Hà Nội với Nhật Bản. |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư của 23 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 36,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ đô la Mỹ).
Trong số đó, có 7 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 16 dự án vốn đầu tư trong nước trong các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch thương mại...
Nhân dịp này, Hà Nội công bố danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016 - 2020. Số dự án này tập trung vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, y tế, khu công nghệ cao... Thành phố đã giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư khoảng 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ đôla Mỹ).
Hợp tác đầu tư với các Tập đoàn. |
Cụ thể, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật có 35 Dự án về đường sắt đô thị, dự án giao thông trọng điểm, dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống và dự án hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư là 331, 955 nghìn tỷ đồng. Hạ tầng xã hội có 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế với tổng mức đầu tư là 4,947 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực nước sạch nông thôn gồm 12 dự án với tổng mức đầu tư là 1,823 nghìn tỷ đồng.
Danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa bao gồm 43 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 372,25 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp thương mại dịch vụ có 15 dự án. Ở lĩnh vực này, Hà Nội tập trung vào các dự án khu, cụm công nghiệp; dịch vụ, thương mại; xây dựng hệ thống trung tâm thương mại tập trung.
Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật có 5 dự án (các bãi đỗ xe); hạ tầng xã hội là 11 dự án, nhà ở gồm 10 dự án tập trung cho các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có 2 dự án.
Quan điểm đầu tư của thành phố Hà Nội là kết nối với nguồn đầu tư của ngân sách Trung ương trên địa bàn, ngân sách thành phố chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng; những dự án đặc thù về kỹ thuật. Thành phố kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức.
“Thành phố Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng mối quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển. Thành phố hợp tác với doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một quốc gia, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”. - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo UBND thành phố Hà Nội, huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13 -14%/năm); trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%.
Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sẽ là thông điệp để thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định sẽ không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Thủ đô Hà Nội./.