Khi chính sách tốt trở thành... rào cản
Với chủ trương xã hội hóa công tác bán đấu giá tài sản, từ năm 2005, khi Nghị định 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản ra đời, doanh nghiệp bán đấu giá như thể chính thức được khai sinh vì cơ chế mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ bán đấu giá các loại hàng hóa mà trước đây vốn độc quyền của cơ quan nhà nước, như bán đấu giá tài sản thi hành án, tang vật vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một trong những loại hàng hóa được bán theo hình thức đấu giá nhiều nhất là quyền sử dụng đất, thì vẫn chưa phải là nguồn hàng mà tổ chức bán đấu giá có thể tiếp cận rộng rãi, do việc bán đấu giá quyền sử dụng đất chủ yếu được thực hiện bởi các hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện.
Trong cái khó chung thì các địa phương "tỉnh lẻ" như Hà Nam, các tổ chức dịch vụ bán đấu giá còn có cái khó riêng là nguồn hàng để bán đấu giá rất ít. Khó khăn này xảy ra với Trung tâm dịch vụ ban đấu giá, một đơn vị sự nghiệp do UBND tỉnh thành lập và do Sở Tư pháp quản lý, do ở thời điểm mà địa bàn tỉnh Hà Nam chưa có các doanh nghiệp dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với công tác bán đấu giá tài sản, đặc biệt là để tạo điều kiện cho tổ chức bán đấu giá hoạt động hiệu quả, ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn số 2280/UBND-KTTH gửi các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo về công tác bán đấu giá tài sản. Trong đó, công tác bán đấu giá tài sản của Hà Nam đã từng bước đi vào ổn định. Để triển khai Quyết định 28/2012/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo, giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Nam thực hiện, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Có thể nói, việc giao cho một đơn vị chuyên môn về bán đấu giá tài sản thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất như chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam tại thời điểm năm 2012 cũng là một bước tiến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản; tạo điều kiện để Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và từng bước loại bỏ các loại "hội đồng", vốn do các cán bộ của UBND các huyện kiêm nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chuyên môn và công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
Đánh giá về văn bản này của UBND tỉnh Hà Nam, Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, ở thời điểm ban hành, đây là chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Hà Nam, kịp thời hỗ trợ thực hiện chính sách về bán đấu giá tài sản. Việc hạn chế việc thành lập các "hội đồng" hoạt động có tính kiêm nhiệm, không chuyên nghiệp là bước đi tích cực, đã tách vai trò chủ sở hữu tài sản và vai trò tổ chức bán đấu giá, giúp minh bạch, công khai và không chồng chéo trong việc thực thi trách nhiệm của các công chức.
Khắc phục bất cập để "cởi trói" cho hoạt động bán đấu giá
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, việc UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho một đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cũng đã xuất hiện những bất cập, nhất là khi có sự tham gia của một số doanh nghiệp bán đấu giá vào thị trường dịch vụ bán đấu giá tàn sản.
Quyền sử dụng đất đang là nguồn hàng quan trọng của thị trường bán đấu giá tài sản. Ảnh minh họa |
Việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam đến thời điểm hiện nay, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã ở vị thế "độc quyền" trong việc thực hiện công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất. Ở vị thế độc quyền, dĩ nhiên quyền lợi của đơn vị độc quyền và những hệ lụy cũng sẽ phát sinh như mọi doanh nghiệp độc quyền khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản. Các doanh nghiệp này đã gặp khó khăn bởi "quy định" mà UBND tỉnh đưa ra năm 2012 đã khiến cho các doanh nghiệp này không được tham gia thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, và các đơn vị muốn lựa chọn đơn vị đấu giá khác để thực hiện dịch vụ cũng... bó tay.
Theo Luật sư, Đấu giá viên Hoàng Ngọc Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kiến Trắng thì quy định về việc giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đưa ra năm 2012 giờ đây đã không còn phù hợp mà cần phải điều chỉnh. Vì, "quy định" này đã trở thành rào cản để người có tài sản không thể lựa chọn bấ cứ tổ chức bán đấu giá nào ngoài Trung tâm dịch vụ bán đâu giá tài sản Hà Nam.
Theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thì người có tài sản có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Ở các địa phương như Hà Nam, Nam Định, Ninh bình đều có một số tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ bán đấu giá tài sản nên việc "chốt" giao cho một đơn vị thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất sẽ triệt tiêu sự cạnh canh và không còn phù hợp với quy định của pháp luật mà người thiệt hại cuối cùng chính là nhà nước, người có tài sản bán đấu giá.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh Hà Nam cũng đã giao cho Sở Tư pháp, Sở TN và MT nghiên cứu để báo cáo UBND tỉnh về những hạn chế của quy định ban hành từ năm 2012. Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, ĐLS tỉnh Hà Giang thì mỗi một chính sách đều có thời hạn, mỗi một quy định không phải luôn đúng khi nền kinh tế, xã hội luôn thay đổi. Việc lựa chọn các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp để đấu giá quyền sử dụng đất thay thế các hội đồng đấu giá là một chủ trương đúng, cần tiếp tục duy trì, nhưng việc triệt tiêu cạnh tranh, làm ảnh hưởng quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thì cần phải xem xét lại và đây là bước đi phù hợp để "cởi trói" cho hoạt động bán đấu giá trên địa bàn tỉnh Hà Nam.