Theo tinh thần Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 2/4, quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sẽ chuyển dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Thông tin này khiến không ít người đang có ngoại tệ gửi ở ngân hàng hoang mang.
Tháng 4 sẽ giải trình?
Theo Nghị quyết 77/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt và hợp lý các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; có giải pháp bảo đảm hoạt động lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, tiết kiệm các khoản chi để góp phần giảm mặt bằng lãi suất.
Đồng thời, NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh, mua bán ngoại tệ, vàng trái quy định pháp luật; nghiên cứu, đề xuất lộ trình giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 4 năm 2011; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, từng bước hạn chế và xóa bỏ sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; tính toán cân đối cán cân thanh toán tổng thể từ nay đến cuối năm, bảo đảm đủ nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng, dầu, đồng thời có giải pháp tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Trong khi đó, trên website của Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thanh Bình khẳng định, theo quy định hiện hành, người dân có quyền gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ… Cụ thể, theo Pháp lệnh quản lý ngoại hối, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này và các văn bản qui phạm pháp luật khác về quản lý ngoại hối, người dân có các quyền cơ bản sau đây đối với ngoại tệ: quyền sở hữu và cất trữ ngoại tệ; quyền gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền nhận tiền kiều hối bằng ngoại tệ; quyền bán ngoại tệ và quyền mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp lý như: đi công tác, đi du lịch, đi học tập, đi chữa bệnh ở nước ngoài… với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền sử dụng ngoại tệ thanh toán cho người không cư trú để mua sắm hàng hóa và dịch vụ được pháp luật cho phép…
Thời điểm nào áp dụng?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải VN (Maritimebank), việc cho hay không cho... cần phải được quy định trong Luật hay ít nhất là Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, với các văn bản hiện hành, muốn thay đổi thì chỉ cần sửa đổi quy định của NHNN, vì cả 2 Luật về ngân hàng, Pháp lệnh Ngoại hối cũng như Nghị định 160.. hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối cũng không quy định rõ được hay không được rút ra bằng ngoại tệ. Điều này chỉ được quy định cụ thể trong các văn bản của NHNN. “Đây là việc trong tầm tay của NHNN, vấn đề là áp dụng vào thời điểm nào là phù hợp?” – ông Đức đặt vấn đề. Luật sư Đức cũng cho rằng, thời điểm áp dụng là khi lạm phát thấp, giá trị của đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định, cung cầu ngoại tệ tương đối cân bằng và NHNN có thể hoàn toàn chủ động can thiệp để điều tiết được thị trường ngoại hối. “Khi mà người dân nhận thấy, giữ VND có lợi hơn USD như đã từng diễn ra trong một số năm trước đây. Lúc ấy chính sách mới bảo đảm thành công…”- ông Đức khẳng định.
“Kỳ vọng của NHNN là tăng huy động vốn bằng ngoại tệ cho các ngân hàng, nhưng bởi quy định mang tính chất hành chính này rất dễ tạo ra sự độc quyền trong ngân hàng. Chưa kể mặt trái của vấn đề này là người ta sẽ không mang tiền đến ngân hàng gửi nữa. Như vậy, ngân hàng không những không tăng được huy động mà số ngoại tệ hiện đang nằm trong các ngân hàng cũng có nguy cơ bị rút về trước khi các quy định này được ban hành và có hiệu lực… Đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định”- TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội lo ngại.
Một số ngân hàng từ chối đưa ra bình luận, song không ít ngân hàng thừa nhận nếu nếu thời điểm này mà thực hiện chính sách kết hối thì rất có thế sẽ dẫn đến biến động khó lường, kể cả sự lo ngại do yếu tố tâm lý, thì cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn…
Thực tế mấy ngày qua, nhiều người có ngoại tệ gửi ngân hàng đã rất lo lắng với thông tin này. Phòng giao dịch một số ngân hàng cho biết, đã bắt đầu có hiện tượng người dân rút tiền USD trước hạn hoặc không tái gửi.
Hiểu My