...Bão táp
Bang Mon chào đón chúng tôi bằng cơn mưa lớn, chỉ một chốc mà tỉnh lộ (nối Yangon với thủ phủ Thaton đã dềnh nước, đục ngầu, chảy cuồn cuộn như thác. Thị trấn nhỏ run rẩy trong gió lạnh. Cậu hướng dẫn viên người bản địa ngồi nhẩn nha mài cây Thanakha bôi mặt cho đỡ buồn mặc đám khách ngẩn ngơ hỏi nhau "hạt mưa rơi bao lâu"...
Khoảng tiếng đồng hồ sau, bỗng dưng mưa ngớt rồi tạnh hẳn, chỉ có nền trời vẫn xám xịt, báo hiệu cơn mưa tiếp theo. Những chiếc xe thùng lọc xọc chạy tới. Thật khó để mô tả loại xe này, nó có đầu giống xe tải và thùng như xe chở... trâu bò ở Việt Nam. Thùng xe chở được khoảng 20 người ngồi trên các thanh i nốc lắp thành một dạng ghế tạm, nền thùng lép nhép.
Chúng tôi được phát áo mưa, đi chân trần, quần áo và giày dép cho vào một túi ni lon to tướng rồi mạnh ai người đó leo lên thùng xe. "Mọi con đường đều đến thành Room nhưng để lên chùa đá Vàng - Golden rock - thì chỉ có một con đường độc đạo và chiếc xe độc đáo này thôi, không có lựa chọn thứ hai", cậu hướng dẫn viên tuyên bố xanh rờn.
|
Chuyến xe bão táp lên thị trấn Kyaikto - Ảnh Hoàng Anh |
Du khách không "sốc" tẹo nào vì đã được biết trước, đã tới dây thì từ dân thường, du khách cho đến các vị tăng lữ đức cao vọng trọng cũng vẫn phải lên đỉnh núi bằng cách ngồi trên nóc xe, trên thùng, thậm chí phải bám cả hai bên sườn xe tải cũ kỹ để vượt qua độ cao hơn 700m của ngọn núi Kyaiktiyo.
Con đường ngoằn nghèo càng lên cao gió càng thổi mạnh, những vạt rừng nguyên sinh lướt qua mang theo mùi ẩm ướt của gỗ mục. Đường nhỏ và khá nguy hiểm nhưng đem lại cảm giác rất yomost và chúng tôi phó mặc cho số phận, nắm chặt lấy thành xe, lắc lư theo vòng cua, ai đó còn niệm phật.
Chừng 30 phút chúng tôi qua được "đỉnh" thứ nhất và thêm 15 phút nữa để tới được thị trấn Kyaikto. Từ điểm trung chuyển cách Kyaikto chừng 2,5 km này, có hai cách để du khách lên được Golden rock là đi bộ và đi.. kiệu. Gọi là kiệu cho "oai" chứ thực chất đó là một dạng đòn khiêng, có chiếc ghế đặt chính giữa để du khách ngồi và 4 nam giới lực lưỡng là người khiêng.
Sở dĩ có dịch vụ này là bởi chặng đường còn lại tuy không xa nhưng độ dốc lại khá lớn, có nhiều đoạn dốc khiến những du khách dù là khỏe mạnh cũng phải toát mồ hôi. Đã có rất nhiều người bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ sức.
Trời tiếp tục mưa, ngôi chùa Kyaiktiyo chìm trong màn mưa trắng xóa. Chúng tôi xuyên qua màn mưa, chân trần bám vào đá lạnh, lao về phía ngôi chùa huyền thoại và tảng đá thiêng kỳ lạ, thực sự bị thôi thúc...
..."Chênh vênh"
Golden Rock - tảng đá thiêng nằm đó- chênh vênh trên một tảng đá khác, tương truyền là đã chênh vênh như thế này qua 2000 năm lịch sử. Mưa vẫn không ngừng rơi và trời đã xâm xẩm tối nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ tảng đá nằm sát ngay mép núi, thoạt nhìn có cảm giác đẩy tay là rơi bất kỳ lúc nào. Trên đỉnh có đặt một tháp thờ cao chừng 7.3m.
Cậu hướng dẫn viên bảo rằng Golden Rock nổi tiếng bởi sự chênh vênh đến lạ thường, phần tiếp xúc với núi chỉ vỏn vẹn 78cm vuông và xung quanh bề mặt tảng đá được dát vàng, không phải một lớp vàng mà tầng tầng lớp lớp bởi chính những người hành hương lễ Phật mua vàng lá và dát lên. Chỉ có nam giới mới được vượt qua hàng rào sắt để chạm tay trực tiếp vào hòn đá, dát những lá vàng mỏng vào hòn đá cầu bình an cho gia đình và người thân. Phụ nữ không được chạm tay trực tiếp vào hòn đá linh thiêng mà chỉ được chiêm bái ở bên ngoài hàng rào sắt.
Nhiều người tin rằng, chính một sợi tóc của Đức Phật được đặt trong ngọn tháp cao 7,3m trên đỉnh “hòn đá linh thiêng” đã giữ cho hòn đá thiêng tồn tại qua năm tháng. Theo truyền thuyết kể lại, Đức Phật trong một lần xuống hạ giới đã tặng một sợi tóc cho vị ẩn sĩ tênTeikthadharma Thiriraza. Vị ẩn sĩ này giữ gìn sợi tóc của Phật cẩn thận. Trước khi qua đời, ông đã trao sợi tóc này lại cho người con nuôi là vua Tissa, cai trị Myanmar thế kỷ XI, với lời trăng trối: “Hãy cất giữ xá lợi này trong một hòn đá có hình dáng như đầu của vị ẩn sĩ”.
Vâng lời cha, vua Tissa cùng với sự giúp đỡ của các vị thần linh, đã tìm đến hòn đá vàng nằm trên đỉnh núi Kyaiktiyo, xây một ngôi chùa trên đỉnh để thờ cúng xá lợi Phật. Vua Tissa đã tạo một lỗ nhỏ trên hòn đá để ông đặt xá lợi vào. Và người ta tin rằng, nhờ có sợi tóc của đức Phật mà hòn đá này nằm yên trên một vị trí cheo leo hiểm hóc hàng trăm năm nay. Nhiều người lại cho rằng, đây là điều huyền bí của tự nhiên.
Tôi vốn cũng tin thiên nhiên có sự huyền bí nào đó và trong không khí có phần mộng du của mưa bay lãng đãng, gió mang theo mùi thanh khiết lan tỏa trong không gian, trước sự chênh vênh tưởng như không có thật, như tấm gương soi, tôi thấy gương mặt mình hiện lên mang vẻ an nhiên kỳ lạ...
|
Chuyến xe bão táp lên thị trấn Kyaikto - Ảnh: Hoàng Anh |
...và bình yên đến...
Buổi tối trở về từ chùa Kyaiktiyo, chúng tôi quây quần trong một khách sạn nhỏ ở lưng chừng núi, ăn những món ăn đặc trưng của Miến Điện. Chủ khách sạn thông báo 12 giờ đêm sẽ tắt điện máy nổ và để ở đầu giường mỗi người một chiếc đèn pin. Sau bữa cơm tối, cả đoàn quây quần ngoài phòng khách, uống trà và nói chuyện vãn. Ngoài ô cửa, mưa gió vẫn rầm rì đi qua, không khí ẩm ướt này, nghe nói chỉ có ở những tháng mùa mưa như thế này, còn lại là nắng, nóng và mặt trời bừng sáng trên Golden Rock từ lúc tinh sương...
...Sớm hôm sau, đoàn chia thành hai nhóm, một tiếp tục quay lại Golden Rock đón bình minh trong mưa, một xuống trung tâm thị trấn ngắm nghía cuộc sống của người dân bản địa. Tôi theo đoàn thứ hai, thấy mình như đi ngang qua bình yên, gặp lại cảnh thật quen ở vùng núi quê nhà, những người phụ nữ đứng bán trái cây (chủ yếu là chuối và cam quýt), đám trẻ quây quanh một chảo bánh rán xôi xèo xèo và những đoàn thầy tu đi khất thực với màu áo nâu sồng (nam), hồng phấn (nữ) sinh động như một bức tranh đẹp về cuộc sống.
...Ai đó nói rằng đi Myanmar để tìm về một thời đã cũ, tôi không nghĩ là như thế, tôi đến Myanmar để ngắm bình yên, đôi khi, thật bồi hồi như cát trôi qua kẽ tay, như hạt mưa rơi bao lâu thì vẫn để lại trên đỉnh Golden Rock những vệt long lanh, thuần khiết đến lạ lùng...
Mách bạn
Kyaikto cách Yangon khoảng 200 km. Bạn có thể dễ dàng thực hiện chuyến đi tới tới đỉnh Golden Rock huyền bí với vé máy bay giá rẻ của hãng hàng không Vietjet. Đường bay giữa TP.HCM – Yangon của hàng không Vietjet được khai thác với tần suất 5 chuyến khứ hồi/tuần vào các ngày thứ 2, 4, 6, 7 và chủ nhật, thời gian bay mỗi chặng khoảng 2 giờ 15 phút.
Chuyến bay sẽ khởi hành từ TP.HCM lúc 10h25 và đến Yangon lúc 12h10 (giờ địa phương). Chiều ngược lại khởi hành lúc 13h00 (giờ địa phương) và tới TP.HCM lúc 15h45.
|
Vietjet khai trương đường bay tới Yangon. |
Mua vé tại website www.vietjetair.com, trên điện thoại Smartphone https://m.vietjetair.com, Facebook www.facebook.com/vietjetvietnam, mục “Đặt vé”, Tổng đài bán vé 19001886, các phòng vé và đại lý trên toàn quốc và quốc tế.Thanh toán ngay bằng các loại thẻ Visa/ Master/ AMEX/ JCB/ thẻ ATM của 24 ngân hàng lớn tại Việt Nam (có đăng ký Internet Banking) hoặc thanh toán sau tại các điểm thu hộ và phòng vé của hãng trên toàn quốc.