Giữa Uber, Grab với Taxi truyền thống cần có sự cạnh tranh công bằng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
(PLO) - Sau Grab, tới lượt Uber Việt Nam vừa được Bộ GTVT chấp thuận cho thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Vấn đề này đã khiến cuộc chiến giành thị phần giữa taxi truyền thống và Uber, Grab bước vào cao trào khốc liệt nhất.

Không còn bàn cãi về việc cấm hay không cấm các mô hình như Uber, vì đây là xu hướng tất yếu, mà vấn đề nóng nhất, mấu chốt nhất ở đây là: Nếu như đã tạo điều kiện thuận lợi cho Uber, Grab như thế nào, thì tại sao không tạo điều kiện tương tự cho các hãng taxi truyền thống của Việt Nam?

Vấn đề này càng nóng hơn bao giờ hết khi tại buổi họp sơ kết thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ GTVT tổ chức chiều 13/4 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, hiện nay các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng. Vì vậy, Bộ GTVT đang sửa Nghị định 86 nhằm đưa ra giải pháp tích cực để quản lý loại hình này.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:

PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết đến thời điểm hiện tại, Uber và Grab đã mang lại lợi ích gì cho xã hội ?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện của Uber và Grab đã tạo ra một cuộc cách mạng về áp dụng khoa học – công nghệ vào lĩnh vực vận tải, buộc các doanh nghiệp vận tải phải nhanh chóng đổi mới để không bị tụt lại phía sau. Cuộc cách mạng này đã đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cụ thể như sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc đi lại như: lựa chon phương tiện, biết được thông tun của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, hàng hóa và tài sản. Sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát, đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của tài xế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao an toàn cho hành khách.

- Thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước bởi các thông tin được tổng hợp và theo dõi một cách dễ dàng, đầy đủ.

- Thúc đẩy tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

- Hiệu quả về hoạt động kinh doanh vận tải được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm đánh giá rất cao, nhờ ứng dụng công nghệ nên các đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát đối với láu xe, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và từng bước nâng cao chất lượng vận tải...

 PV: Thưa Thứ trưởng, khi cho phép Grab và Uber thí điểm, Bộ giao thông vận tải có lường trước những hệ luỵ trước mắt và những hệ luỵ lâu dài sẽ gặp phải ? Có nhận định  cho rằng Grab và Uber sẽ sử dụng chính sách giá rẻ để thu hút người tiêu dùng để có được 1 số lượng khách hàng ủng hộ, rồi sau đó họ sẽ thôn tính taxi truyền thống , ông có thể cho biết thêm về nhận định này ?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Từ năm 2014, khi các ứng dụng hỗ trợ gọi xe xuất hiện tại Việt Nam, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu, khẩn trương và thận trọng. Do đây là một loại hình công nghệ mới,các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định nen các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng, tuy nhiên, Bộ GTVT đã đang sửa đổi để đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ cũng như kinh tế xã hội.

 Với nhận định cho rằng Grab và Uber sẽ sử dụng chính sách giá rẻ để thu hút người tiêu dùng để có được 1 số lượng khách hàng ủng hộ, rồi sau đó họ sẽ thôn tính taxi truyền thống, Tôi không đồng tình với nhận định này bởi xe taxi có những đặc thù riêng và đối tượng hành khách riêng, ví dụ như những người không sử dụng công nghệ, đặc biệt là dạng hành khách vẫy gọi trên đường. Mặt khác, việc sử dụng chính sách giá rẻ dưới mức giá thành để thôn tính taxi là không bền vững và không khả thi bởi chắc chắn sẽ có ngay doanh nghiệp khác đăng ký hoạt động kinh doanh nếu không tiếp tục áp dụng giá rẻ dưới mức giá thành.

 PV: Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống, có nhiều doanh nghiệp than thở rằng họ đang bị lâm vào tình trạng sắp phá sản, hoạt động của họ bị ràng buộc rất nhiều điều kiện, họ cũng đang nổ lực cố gắng thay đổi mình, tuy nhiên vẫn không cân sức vì theo như họ nói thì Uber và Grab không bị ràng buột gì cả, đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông đã có những chỉ đạo hoặc hỗ trợ gì cho họ ?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Tôi cho rằng Uber và Grab đang gián tiếp tạo ra một sân chơi mới, sân chơi của những nhà kinh doanh vận tải biết ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, từ đó giảm chi phí, mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã thấy rõ lợi ích của sân chơi mới này, nên họ đã chủ động xây dựng ứng dụng của riêng mình hoặc kết nối với các nhà cung cấp phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh trong ngành vận tải, do đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Với quyết tâm góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động, với tinh thần của Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ GTVT luôn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nghiên cứu và ứng dụng những CNTT để hỗ trợ kinh doanh nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí cho xã hội và góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Loại hình dịch vụ Uber và Grab đang được phát triển mạnh mẽ và được nhiều người lựa chọn so với taxi truyền thống

Cuộc chiến giành thị phần giữa taxi truyền thống và Uber, Grab bước vào cao trào khốc liệt nhất
Cuộc chiến giành thị phần giữa taxi truyền thống và Uber, Grab bước vào cao trào khốc liệt nhất

 PV: Trong đề án thí điểm, Bộ không có nói rõ giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm, hiện tại theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM và Hà Nội thì số lượng xe đã hơn 30.000 xe tham gia. Vậy điều này có phá vỡ quy hoạch trước đây ? Theo ý kiến của ông thì nên cắt giảm hay vẫn giữ số lượng này?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ tại Điều 6 – Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ. Theo đó, quy hoạch giao thông vận tải đường bộ là quy hoạch lĩnh vực chuyên ngành, gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ và  UBND cấp tỉnh tổ chức lập, trình HĐND cùng cấp quyết định quy hoạch giao thông vận tải đường bộ do địa phương quản lý.

 Tuy nhiên, theo Tôi được biết, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện được quy hoạch xe hợp đồng do chưa cần thiết. Các địa phương sẽ quy hoạch và quyết định số lượng xe phù hợp với tình hình thực tế.

 Ngoài ra, cũng cần phải chú ý rằng có rất nhiều xe tham gia thí điểm nhưng hầu như không hoạt động hoặc 1 xe nhưng tham gia thí điểm ở nhiều đơn vị.

 PV: Thưa ông, ông có nói rằng “Nghị định 86 cần phải sửa đổi để quản lý tốt hơn” và Bộ đề ra các gợi ý sửa đổi. Theo ông nếu những gợi ý sửa đổi của Bộ được Chính phủ thông qua, liệu công tác quản lý có giải pháp cải thiện tốt hơn và chặt chẽ hơn không?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, trong đó có nhiều điểm mới nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

 PV: Được biết, công tác đề xuất điều chỉnh sửa đổi Nghị định 86 được thực hiện rất khẩn trương. Trong đó, chính quyền một số đô thị lớn đã góp ý hạn chế phát triển xe taxi trá hình dưới hình thức “xe hợp đồng điện tử”. Tuy nhiên Bộ vẫn quyết định cho Uber tham gia thí điểm chỉ trước 3 ngày diễn ra buổi sơ kết 9 tháng thí điểm của Grab. Thưa ông, tại sao Bộ không chờ họp rút kinh nghiệm thực tế xong rồi mới quyết định cho thêm đơn vị khác tham gia? Đây có phải là đặt vào chuyện đã rồi không?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Ở đây, cần làm rõ 2 việc:

-         Thứ nhất, việc sơ kết thí điểm được Bộ GTVT thực hiện định kỳ, thường xuyên để đảm bảo việc thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Công văn số 1850/TTg – KTN của TTCP và QĐ số 24/ QĐ BGTVT được hiệu quả và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc. Và đây là kết quả sơ kết thí điểm triển khai ứng ụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chứ không phải sơ kết thí điểm của Grab hay Uber.

-         Thứ hai, Bộ GTVT luôn đảm bảo tạo môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tình tới thời điểm tổ chức sơ kết thí điểm, Bộ GTVT đã thống nhất triển khai với 6 đơn vị cung cấp phần mềm và có 03 đơn vị khác có đề án đang được hướng dẫn hoàn thiện. Đối với Uber và Grab chính là đơn vị đầu tiên có đề án thí điểm gửi đến Bộ GTVT vào tháng 9 năm 2015, tuy nhiên Đề án của Uber chưa đáp ứng được các quy định của luật pháp Việt Nam nên Bộ GTVT đã hướng dẫn Uber sửa đổi, bổ sung. Sau nhiều lần trao đổi, hướng dẫn, đến ngày 20/3/2017 Uber mới hoàn thiện Đề án đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu và trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận.

PV: Thưa ông, tại buổi sơ kết 9 tháng thí điểm của Grab, ông phê bình các sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình Uber, Grab là do sự yếu kém của các địa phương. Thưa ông, là cơ quan quản lý ngành dọc, Bộ GTVT sẽ có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể như thế nào để cải thiện tình hình trên và thời điểm áp dụng vào thực tế dự kiến lúc nào?

 Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, bình đẳng, Bộ GTVT hướng dẫn và yêu cầu các Sở GTVT thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

-         Đánh giá mọi hoạt động của loại hình xe hợp đồng  đang thực hiện thí điểm trên địa bàn, trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể.

-         Cung cấp danh sách phương tiện tham gia thí điểm trên địa bàn cho cơ quan CSGT, các cơ quan thuế cùng cấp để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi.

-         Rà soát tuyến đường, tuyến phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời đề xuất UBND cấp tỉnh cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.

-         Tham mưu trình UBND cấp tỉnh Quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với tình hình thực tiễn theo quy định tại Điều 6 luật Giao thông đường bộ năm 2008.

 PV: Tình hình trên thế giới hiện nay tại nhiều nước phát triển (Pháp, Mỹ, Ý, Đức…) đã hạn chế hoặc cấm Uber, Grab hoạt động. Nhưng Bộ GTVT ủng hộ Grab và Uber hoạt động bất chấp phản đối của các hội nghề nghiệp và chính quyền địa phương, vì vậy dư luận đặt vấn đề là Bộ GTVT (mà ông là người phụ trách mảng này) có “ưu ái” gì đó với 2 đại gia nước ngoài này. Và người ta đồn rằng, ông sắp về hưu nên có tư duy nhiệm kỳ, bất chấp những hệ luỵ thấy trước được và ông dồn gánh nặng đó cho địa phương và người kế nhiệm. Ông nghĩ thế nào về dư luận này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Trên thực tế như tôi đã trao đổi, xu thế hoạt động của Uber và Grab là xu thế, cũng là điều tất yếu của ứng dụng khoa học công nghệ. Trước đây một số nước, trong đó có Pháp, cấm mọi hoạt động của Uber và Grab trên lãnh thổ, việc này đã gặp phải sự phản đối của hiệp hội vận tải thế giới. Hiện nay trên thế giới hầu hết tất cả các nước đều chấp nhận thực tế như vậy. Vấn đề chính đó là phải đổi mới để theo kịp với xu thế thời đại. Việt Nam ta đang là một nước hội nhập khu vực khu vực và quốc tế nên việc Uber và Grab du nhập về Việt Nam là điều tất yếu. Để Uber và Grab hoạt động được theo đúng các quy định của Việt Nam thì Bộ GTVT đã có những hướng dẫn cụ thể để họ hoạt động theo đúng luật pháp hiện hành.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm

Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt đỉnh trong 10 năm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Năm 2024 ghi nhận sự bứt phá của ngành cá tra Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Với kim ngạch hơn 12 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước, cá tra GTGT đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Công an vào cuộc khi 1 giao dịch có 5 tờ tiền giả

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -   Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết về việc xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Theo quy định, khi phát hiện từ 5 tờ tiền giả hoặc 5 miếng tiền kim loại giả trở lên trong một giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ngay lập tức thông báo cho cơ quan công an gần nhất.

30/4, hoàn thành đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty HUD

Ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HUD.
(PLVN) - “Đảng ủy tổng công ty đã thống nhất lựa chọn một đảng bộ cơ sở để đại hội điểm trong tháng 1/2025. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2025, sẽ hoàn thành việc đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD”, ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV HUD trao đổi với PLVN.

Thông tin thu thuế 10% giao dịch thương mại điện tử là giả mạo

Thông báo về việc thu thuế 10% các giao dịch "MUA-BÁN" đang lan truyền trên các mạng xã hội.
(PLVN) -  Mạng xã hội đang lan truyền thông tin cho rằng từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế sẽ truy cập vào tài khoản cá nhân để thu thuế 10% từ các giao dịch thương mại điện tử, gây hoang mang trong cộng đồng kinh doanh online. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP HCM, khẳng định đây là thông tin giả mạo.

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024: Bức tranh tổng thể để các địa phương phát triển đột phá

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số PII năm 2024.
(PLVN) - Theo kết quả PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) 2024, có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là: Hà Nội xếp hạng 1, TP HCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3…

Quyết liệt thực hiện các dự án nguồn điện

Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được yêu cầu hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 tháng. (Ảnh: EVN)
(PLVN) - Theo báo cáo mới nhất, hiện hầu như tất cả các dự án trong Quy hoạch điện VIII đều đang bị chậm tiến độ, do đó, Bộ Công Thương đã có những động thái dứt khoát với những dự án này.

Loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo ngân hàng ngay đầu năm mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những ngân hàng có biến động về nhân sự cấp cao (Ảnh minh hoạ).
(PLVN) -  Những ngày đầu năm 2025, thị trường tài chính chứng kiến loạt biến động khi nhiều lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng lớn đồng loạt từ nhiệm. Từ Phó tổng giám đốc đến Kế toán trưởng, các lý do đưa ra là "theo nguyện vọng cá nhân" hoặc để chuyển sang đảm nhận vị trí mới.

Tổng cục Hải quan: Đồng lòng, chung sức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

20 căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo, cận nghèo huyện Tân Biên. (Ảnh: T.D)
(PLVN) - Vừa qua, Tổng cục Hải quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh trên địa bàn huyện Tân Biên năm 2024, góp phần cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

GDP năm 2024 ước tăng 7,09%

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin về số liệu thống kê kinh tế xã hội năm 2024
(PLVN) - Theo công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).