Vất vả hơn ngày thường
Đón Tết trong bệnh viện là một trong những điều không tránh khỏi của những người làm trong ngành Y. Để đảm bảo kịp thời cấp cứu, túc trực và chăm lo bệnh nhân, các bệnh viện phải huy động, bố trí đảm bảo trực đủ 24/24h, đặc biệt là khoa cấp cứu.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa chia sẻ: “Bệnh viện vẫn luôn phải đảm bảo đủ nhân lực vào những ngày Tết. Các phòng, khoa vẫn phân công người đi làm, đảm bảo 50% số lượng. Dịp Tết trung bình hàng năm có khoảng 300 nhân viên, cán bộ y tế đi làm”.
Do đặc thù là bệnh viện sản, nên dù ngày thường hay lễ, Tết đều có thai phụ sinh con. Bệnh viện luôn bố trí nhân sự để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có những chính sách, chế độ động viên các y bác sĩ như bữa ăn cùng bánh chưng, giò chả và những hỗ trợ khác.
Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nói: “Khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, ai cũng muốn được sum họp bên gia đình, bên mâm cơm tất niên, ôn lại chuyện năm đã qua, kỳ vọng điều tốt đẹp năm mới. Thế nhưng những người làm nghề khám chữa bệnh, thời khắc tân niên hầu hết đều tất bật với việc trực Tết cứu người”.
Tết là ngày y bác sĩ vất vả hơn cả. Một ngày trực Tết của bác sĩ có thể kéo dài 24h, kết thúc ca trực sau một ngày thức trắng, làm việc hết công suất, hầu như ai cũng cần thời gian để nghỉ bù. Thế nhưng ngày Tết nên vẫn phải thực hiện các nghi lễ thăm hỏi họ hàng như thông thường. “Đối với chúng tôi, sau một đêm trực là mệt nhoài rồi lại tiếp tục công việc giao lưu thăm hỏi nên không ít người trong tình trạng “nghiện ngủ”, vị bác sĩ này cho hay.
Có bác sĩ trẻ sau đêm trực, đến ra mắt họ hàng người yêu, việc thiếu ngủ khiến “trông mặt mày hốc hác, mắt mũi lờ đờ, ngồi một chốc mà ngáp ba bốn cái”, khiến không ít người hoài nghi, thậm chí có người khuyên bạn gái anh “cẩn thận kẻo yêu phải nghiện”.
Chuyện yêu đương đã vậy, rồi cưới được vợ hay chồng làm thầy thuốc, cũng sẽ phải quen dần với việc họ đi trực vắng nhà trong ngày Tết. Những đứa trẻ là con y tá, bác sĩ thì sẽ luôn thiệt thòi vì chẳng mấy khi được bố mẹ cho đi chơi Tết. Những ngày này, bố mẹ chúng còn đang bận bịu trong sự nghiệp cứu người.
Các bệnh viện vẫn luôn phải đảm bảo đủ nhân lực vào những ngày Tết |
Chạnh lòng đêm giao thừa
Ở một nơi đặc biệt khác, dù không có nhiều ca cấp cứu, không vội vã giành giật sự sống cho bệnh nhân trước tử thần, nhưng nhiều cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng cho biết, Trung tâm vẫn luôn có đủ nhân sự để chăm lo, túc trực ngày Tết.
Thông thường mỗi khoa sẽ phân công hai đến ba người trực, lịch trực thường chia làm hai đợt, đợt 1 từ 28 Tết đến mùng 2 Tết, đợt hai từ mùng 2 Tết đến mùng 6 Tết, giờ trực từ 6h sáng hôm nay đến 6h sáng ngày hôm sau.
Nhiều người cho rằng trực Tết lương, thưởng rất cao thế nhưng trên thực tế số tiền hỗ trợ trực của bác sĩ rất ít. Chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng. Sự vui tươi ngày Tết cũng không đủ để xóa sạch nỗi chạnh lòng của các y bác sĩ, điều dưỡng khi đón giao thừa trong bệnh viện và phải làm việc vào những ngày đầu năm.
Tết ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 xã Quảng Hợp được các bác sỹ, điều dưỡng tổ chức ấm cúng. Những ngày gần Tết mọi người cùng nhau mổ lợn, giết gà, gói bánh chưng… để phục vụ các đối tượng tại trung tâm. Tại đây mọi người xem nhau là gia đình, gia đình “siêu lớn”. Khoảnh khắc Giao thừa, mọi người đến từng khoa để chúc Tết. Sáng ngày mùng 1, mọi người cùng nhau đi thăm hỏi, chúc Tết các bệnh nhân tâm thần ở lại Trung tâm.
Chắc chắn, bất cứ một cán bộ y bác sĩ nào đón Tết trong bệnh viện đều có những kỉ niệm khó phai trong giây phút quan trọng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Một nữ điều dưỡng chia sẻ: “Tôi đã đón nhiều cái Tết ở Trung tâm cùng các bác sĩ, điều dưỡng và các bệnh nhân tâm thần rồi. Mỗi năm đều có những cảm xúc không thể nào quên. Tôi nhớ có năm, đang chuẩn bị đón giao thừa nhưng có bệnh nhân lên cơn, nên tất cả mọi người lại hớt hải chạy đi cấp cứu”.
Một bệnh nhân của Trung tâm chia sẻ: “Tôi ở đây đã được sáu năm, không còn lên cơn nữa, nhưng các con tôi vẫn sợ, không muốn đón tôi về nhà vì lo lắng tôi sẽ tái phát, hành hung người khác. Mà tôi cũng sợ nên vẫn ở đây thôi. Dù có chút buồn và chạnh lòng mỗi khi Tết đến, nhưng các bác sỹ, điều dưỡng ở đây rất quan tâm khiến vơi đi phần nào”.
Là nơi tiếp nhận, quản lý và chăm sóc cả những bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên số lượng bệnh nhân ở lại Trung tâm là khá nhiều. Theo chia sẻ của điều dưỡng thì: “Tết đến, nhiều gia đình cũng đến đón bệnh nhân, khoảng một phần ba bệnh nhân được về nhà mỗi dịp Tết, những người tỉnh táo một chút về nhà khoảng một tuần, còn những bệnh nhân u mê, nặng quá, lúc mê lúc tỉnh thì vẫn ở lại đây. Ngoài những lúc họ lên cơn, phát bệnh, họ rất hiền lành tốt bụng”.
Một ngày trực Tết của y bác sĩ có thể kéo dài 24h, kết thúc ca trực sau một đêm thức trắng |
Điều đáng quý hơn cả những món quà
Trong những ngày đầu năm, mọi người đều được quây quần bên người thân, gia đình, nhưng các bệnh nhân lại dành thời gian đặc biệt đó để đấu tranh với bệnh tật, buộc phải ở lại viện; thế nên có lẽ điều mà họ cần nhiều hơn cả là những lời động viên, quan tâm của những y bác sĩ.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa: “Năm nào cũng vậy, trước Tết bệnh viện sẽ gửi quà cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo bệnh viện cũng đến từng phòng bệnh để hỏi thăm và chúc Tết các bệnh nhân”.
Một nữ bệnh nhân ở Quan Hóa (Thanh Hóa) từng nằm lại viện điều trị bệnh hồi Tết 2018 cho biết: “Nhà tôi cách bệnh viện cả trăm cây số. Bị bệnh rồi nằm lại viện điều trị dịp Tết là điều không ai muốn. Nhà xa như vậy nên cũng ít người xuống thăm, cứ nghĩ đến thời điểm đó mà trào nước mắt. May mắn có sự động viên của y bác sĩ tại bệnh viện, tôi cảm giác thấy thoải mái, bớt tủi thân hơn”.
Còn ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 cũng có nhiều hoạt động ấm áp, vui Tết cho những bệnh nhân “không biết vui, biết buồn”, như tổ chức gói và luộc bánh chưng và giò cho các bệnh nhân, tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao hưởng ứng không khí Tết. Có nhiều bệnh nhân tâm thần cũng biết hát, nhảy múa, dù là lúc tỉnh lúc mê, nhưng khi nhắc đến Tết, thấy bánh chưng xanh, ai nấy đều hào hứng hát hò. Những người tỉnh hơn thì tham gia thi đấu bóng chuyền, đánh cầu lông.
Trải nghiệm của sinh viên Y khoa trực Tết
Không giống như những y bác sĩ đã có nhiều năm trực Tết, các sinh viên ngành Y năm cuối phải trực và đón Tết tại bệnh viện là điều rất bình thường, nhưng luôn có cảm xúc đặc biệt.
“Lần đầu đón giao thừa cùng người lạ trong trong bệnh viện là cái cảm giác khá tệ xong cũng rất thú vị. Tệ ở chỗ không ai muốn đón Giao thừa đón năm mới ở nơi chỉ có máu me, hóa chất tẩy rửa và sự lo lắng… Thú vị ở chỗ hiểu được vất vả của đội ngũ y bác sĩ và những khó khăn sau này mình phải đối mặt để có động lực phấn đấu”, sinh viên Nguyễn Trọng Vũ (Khoa 59, ĐH Y Thanh Hóa) chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Thùy Trang (Y5, ĐH Y Hà Nội) cho biết, những người trực Tết ở bệnh viện thường chuẩn bị mọi thứ rất đơn giản. Nhân viên, điều dưỡng và sinh viên sẽ gói bánh chưng, chia từng hộp mứt và bánh kẹo cho bệnh nhân. Trang bảo đây là hành động rất ý nghĩa, ấm tình người trong những ngày đầu năm mới. “Tặng quà Tết cho bệnh nhân vui lắm. Các bác sĩ đến từng giường bệnh hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần để họ yên tâm điều trị, vui vẻ đón Tết trong viện”, Trang tâm sự.
Sinh viên Y trực Tết thường mang các món ăn gia đình chuẩn bị chia sẻ với nhau. Người mang bánh chưng, bánh tẻ, bạn góp đặc sản quê; lúc rảnh cùng nhau ăn uống, trò chuyện.
Với sinh viên Nguyễn Thu Cúc (Y6, ĐH Y Hà Nội), kỷ niệm đáng nhớ trong dịp trực Tết là được gặp mặt một lãnh đạo Chính phủ. Ông đã tặng quà, tâm sự, động viên tinh thần với cán bộ y tế, cũng như sinh viên đang làm việc tại bệnh viện. "Lãnh đạo bệnh viện và nhà trường cũng thường đến thăm hỏi những người trực Tết, trong đó có sinh viên Y khoa và bệnh nhân cùng người nhà. Vui nhất là phần lì xì, không nhiều nhưng đó là món tiền mừng tuổi đầu tiên trong năm mới mà mình được nhận trong dịp Tết”, Cúc cho biết.