Hai bé Bi và Bông đang ở độ tuổi lên 8, lên 10. Ngay từ khi 3 tuổi, chị đã bắt đầu dạy các con về sự khác nhau giữa cơ thể nam và nữ.
“Con thường thắc mắc em bé chui ra bằng đường nào? Con muốn nghe mẹ kể về chuyện con trai, con gái và tình dục. Một cô bé lớp 2 đưa ra yêu cầu nghiêm túc với mẹ thì là một câu chuyện dài rồi đây. Mẹ phải giải thích về cơ quan sinh sản của phụ nữ, rằng giữa hai chân Bông có một cái lỗ để em bé chui ra. Mọi người trên thế giới đều sinh em bé như thế. Một em bé ra đời, có thể đau một chút nhưng mẹ rất hạnh phúc khi có con” - chị kể.
Theo chị, vấn đề trẻ quan tâm không phải thông tin mà là thái độ của bố mẹ.
Việc chia sẻ thẳng thắn sẽ khiến con cảm thấy bố mẹ coi con như người bạn thực sự.
Chị cũng “tá hỏa” khi biết cậu con trai lên 10 tuổi từng xem phim người lớn.
Tuy nhiên, thay vì cấm đoán, chị chọn cách tâm sự cùng con.
Bằng cách này, Bi rất hợp tác. Hai mẹ con thường trò chuyện tự nhiên. Chị còn khéo léo cho con xem tin tức về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam, giải thích về trách nhiệm của nam giới.
“Mình cho rằng, vấn đề nằm ở cách nói chuyện. Cha mẹ nên sẵn sàng chia sẻ với con về những câu hỏi khó, đừng nghĩ đó là hư. Nếu bố mẹ cởi mở, con sẽ tìm bố mẹ để được giải đáp trước khi nhờ đến sự trợ giúp nào khác”.
Cũng từng rơi vào tình huống “rối rắm” khi phát hiện ra cậu con trai 9 tuổi xem phim người lớn, chị Hoàng Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi day dứt:
“Thỉnh thoảng đi qua phòng con, tôi thấy con một tay cầm bút, còn tay kia cho vào quần. Thấy mẹ bước vào con giật mình lúng túng. Nhưng khi ấy tôi không suy nghĩ gì. Chỉ đến khi phát hiện ra con lấy máy của mẹ xem phim người lớn, tôi đã la mắng con rất nhiều”.
Cũng bởi cách xử lý vội vàng ấy khiến con trai chị trở nên ít nói hơn với mẹ. Bản thân chị Hiền hoang mang và không biết tìm cách nào để “gỡ rối”.
“Tôi phải đọc sách và tham khảo rất nhiều mẹ có con trong độ tuổi này mới nhận ra rằng bản thân mình đã sai. Chính chúng ta, những bậc làm cha mẹ cũng đã từng một thời như thế. Nếu càng giấu giếm, trẻ sẽ càng tò mò tìm hiểu và giải tỏa theo bản năng”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phí Mai Chi, chuyên gia Quyền trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng:
“Bạn “hươu” nào cũng có nhu cầu được chạy đúng đường và có quyền được trải nghiệm những cảm xúc rung động đầu đời. Tuy nhiên, cha mẹ đa phần đã không nhận thức rõ các giá trị này nên thiếu sự tôn trọng các quyền cơ bản về tình dục của con”.
Theo bà, việc không chủ động nói chuyện với con về những thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì, luôn đóng vai cảnh sát để hù dọa con khiến cha mẹ mất đi cơ hội được nói chuyện về những rung động đầu đời của con.
Đứa trẻ nào cũng có những câu hỏi và bối rối khi bắt đầu xuất hiện các cảm xúc thu hút giới tính đầu tiên.
Nếu trẻ không tìm thấy sự tin tưởng từ cha mẹ thì các chuyên gia sẽ là bạn bè, Google, thậm chí một người lạ mặt trên internet có thể thay thế vị trí đó rất dễ dàng.
Cha mẹ thiếu kiến thức về tính dục là phổ biến. Các kiến thức liên quan đến đa dạng giới, quy định pháp luật, bạo lực giới, tình dục an toàn…. gần như chưa toàn vẹn nên cha mẹ thường áp đặt kinh nghiệm của thế hệ đi trước nên con. Nhiều cha mẹ ngộ nhận đã vẽ đường cho hươu chạy rồi mà sao vẫn không chạy đúng hướng là vì thế.
Trước con số 39% học sinh học hết lớp 12 từng quan hệ tình dục do TS Tâm lý Trần Thành Nam công bố vừa qua, bà Phí Mai Chi cho biết thêm:
"Trong một nghiên cứu Viện sức khỏe sinh sản và gia đình, hàng năm có khoảng 300.000 nữ giới từ 12-19 tuổi phá thai. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu có xu hướng giảm mạnh 1,5 năm, từ 19,6 tuổi xuống còn 18,1 tuổi. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy quan hệ tình dục ở người chưa thành niên là con số không hề nhỏ”.
Còn chị Hoàng Như Quỳnh, một bà mẹ có 2 cô con gái hiện đang sinh sống tại Nhật Bản chia sẻ:
“Ở Nhật, ngay từ giai đoạn mẫu giáo các con đã được dạy cách chăm sóc bản thân cơ bản. Sự thật là khi trẻ lên 3 tuổi đã bắt đầu biết thắc mắc về sự khác biệt trên cơ thể. Cho nên khi trẻ em tại Việt Nam còn đang học cách phân biệt sắc màu, loài vật thì trẻ em tại Nhật đã được học về phân biệt giới tính”.
Chị Quỳnh cho rằng, những con số về quan hệ tình dục sớm tại Việt Nam cao là do ngay từ bé bố mẹ chưa xem giới tính, tình dục là vấn đề thiết yếu để trẻ biết, làm chủ và bảo vệ bản thân. Bố mẹ thường từ chối câu trả lời hoặc nói vòng vo. Xã hội vẫn còn định kiến về tình dục thì tỉ lệ học sinh quan hệ không an toàn xảy ra còn nhiều.
“Ở nhiều nước trên thế giới, trong các phòng y tế đều phát bao cao su miễn phí cho học sinh. Trong khi tại Việt Nam vẫn xem việc tìm hiểu về tình dục là hư hỏng thì chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng hơn” - chị Quỳnh khẳng định.
Trong chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam hiện nay, học sinh bắt đầu được tìm hiểu về vấn đề giới tính vào năm học lớp 8. Những điều này đều gói gọn trong môn Sinh học đơn thuần, còn vấn đề tình dục an toàn đang khuyết hẳn trong trường học. Nhiều giáo viên đồng tình, chương trình trong sách giáo khoa hiện đã quá cũ. Trẻ em hiện nay dậy thì sớm hơn, thậm chí có em dậy thì trước tuổi. Nếu bắt đầu dạy học sinh vào lớp 8 là quá muộn. Cho nên, thay vì để “hươu” chạy sai hướng, cha mẹ và nhà trường cần phải dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình.
"Hươu" chạy có lộ trình |
“Một vài cuốn sách, một khóa học về an toàn tình dục không giao giờ đủ. Cha mẹ cần thay đổi nhận thức để hỗ trợ các con hàng ngày thông qua việc xây dựng các mô thức hành vi phù hợp với văn hóa và bối cảnh sống. Dựa trên sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, các em cần được giáo dục tính dục càng sớm các tốt. Từ 2-8 tuổi: Dạy trẻ về nhận dạng giới như nhận biết mình thuộc giới nào, đâu là những vị trí riêng tư trên cơ thể, gọi chính xác tên các bộ phận sinh dục,… Từ 8-13 tuổi: Tập trung vào nhận biết sự thay đổi cơ thể ở độ tuổi dậy thì, chuyển hóa cảm xúc giới tính với các rung động, bị thu hút giới đầu đời… Tùy theo nhận thức của mỗi trẻ, giai đoạn này có thể dạy trẻ toàn bộ các kiến thức liên quan đến tình dục. Sau 13 tuổi: Dạy trẻ biết cách thiết lập các mối quan hệ cặp đôi: hẹn hò, từ chối, quản trị cảm xúc, các nguy cơ dẫn đến bạo lực tình dục, nâng dần nhận thức về quyền tình dục, sự đa dạng, trách nhiệm trước pháp luật, từ đó các em có thể biết cách ứng xử của bản thân tới các mối quan hệ trong xã hội một cách an toàn. (Bà Phí Mai Chi, chuyên gia về Quyền trẻ em - Bộ LĐ, TB và XH) |