Gian lận thi cử ở Trung Quốc có thể phải “bóc lịch” 7 năm

Xe bus chở các sỹ tử đến điểm thi.
Xe bus chở các sỹ tử đến điểm thi.
(PLO) - Bên cạnh việc điều các nhóm cảnh sát đặc nhiệm tới các điểm thi nhằm phát hiện những người vi phạm quy chế trong kỳ thi đầu vào đại học năm nay, Trung Quốc cũng chính thức hình sự hóa tội danh gian lận khi thi đại học với mức phạt cao nhất với những người vi phạm lên đến 7 năm tù.

Kỳ thi quan trọng nhất đời

Kỳ thi đầu vào đại học – được gọi là gaokao trong tiếng Trung – là một trong những thử thách lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người ở nước này. Đây được xem là bậc thang đầu tiên mà họ phải bước được lên trong hành trình hướng tới thành công trong cuộc sống.

Nếu được điểm cao trong kỳ thi này, họ có thể được nhận vào một trường đại học danh tiếng, đồng nghĩa với việc họ có cơ hội lớn tìm được công việc tốt sau khi ra trường. Ngược lại, họ thậm chí sẽ chỉ có thể kiếm được những công việc lao động chân tay vất vả với mức thu nhập thấp. Trong khi đó, mỗi người Trung Quốc khi trưởng thành không chỉ phải lo cho bản thân mà nhiều người còn phải gánh trên vai trách nhiệm phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hay cả ông bà.

Chính vì vậy nên đầu tư vào học hành là vấn đề vô cùng quan trọng ở Trung Quốc. Hầu hết các trường trung học tại nước này đều dành năm cuối để chuẩn bị cho các học sinh các kiến thức cần thiết cho kỳ thi đại học.

Tại tỉnh miền Đông An Huy của Trung Quốc, theo một ước tính của tờ DW, mỗi năm có khoảng 10.000 học sinh dành đến 16 giờ mỗi ngày để theo học tại trường Trung học Mao Tan Chang – vốn được mệnh danh là “lò luyện đại học” để chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều học sinh từ các tỉnh khác cũng đổ dồn về trường này để tham gia các lớp học nổi tiếng là căng thẳng ở đây.

Ngoài học thêm ở trường, nhiều học sinh đã dành gần như toàn bộ thời gian còn lại trong quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày của mình cho việc học. Một số gia đình thuê gia sư riêng – thường là các sinh viên từ các trường nổi tiếng và đã đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học trước đó – để hướng dẫn con em họ học thêm. Nhiều người thậm chí yêu cầu gia sư ăn, ngủ cùng con để tận dụng từng phút rảnh rỗi có thể cho việc học của “quý tử”.

Trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi, cảnh sát và người dân bình thường được yêu cầu hợp tác với nhau để tạo môi trường thuận lợi nhất. Tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, một số làn xe được dành riêng cho xe chở thí sinh hay đề thi, giấy thi. Các lái xe cũng được yêu cầu không bấm còi – thứ âm thanh phổ biến – để tránh gây ảnh hưởng tới việc thi cử của các “sỹ tử”.

Tuy nhiên, theo College Stat - trang web chuyên cung cấp các thông tin và số liệu thống kê về giáo dục đại học, cao đẳng tại Trung Quốc cho thấy - dù tất cả các học sinh đều cố gắng chuẩn bị và làm hết sức có thể tại kỳ thi đại học nhưng chỉ có khoảng 60% học sinh tham gia thi được nhận vào các trường đại học trên khắp Trung Quốc. Trong số đó chỉ có khoảng 2% được nhận vào top 5 trường đại học hàng đầu ở nước này.

Vào đại học bằng mọi giá

Với tầm quan trọng như vậy, không chỉ đầu tư cho việc học hành, nhiều phụ huynh và học sinh tại Trung Quốc cũng không ngại dụng đến các “chiêu trò” với mục đích là giành được 1 suất vào đại học. Trong đó, biện pháp đầu tiên có thể kể đến là việc chuyển hộ khẩu của các thí sinh tới một địa phương khác.

Theo quy định hiện nay của Trung Quốc, các thí sinh người dân tộc thiểu số sẽ được cộng điểm. Ngoài ra, một số trường đại học cũng có chính sách ưu tiên cho các thí sinh ở địa bàn mà trường đó đặt trụ sở. Vì vậy nên nhiều gia đình có điều kiện và mối quan hệ đã tìm mọi cách để đưa con em họ đến cư trú hay được công nhận là người dân tộc hòng tạo lợi thế cho con em mình trong kỳ thi đại học gắt gao.

Tuy nhiên, tình trạng nghiêm trọng nhất phải kể đến chính là các chiêu trò gian lận trong thi cử. Một số bậc cha mẹ đã thuê các công ty để lén lút truyền câu trả lời vào cho con em họ trong ngày thi. Một số hối lộ các quan chức địa phương để được xem trước đề thi hay táo bạo hơn là thuê người thi hộ.

Trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận như triển khai các máy bay do thám không người lái để bắt những người sử dụng sóng điện từ truyền câu trả lời cho thí sinh, đặt các máy dò tìm kim loại nhằm phát hiện các thí sinh cố tình mang các thiết bị vô tuyến vào phòng thi hay cấm thí sinh mặc áo ngực bằng kim loại vì lo ngại các thiết bị truyền dẫn có thể được giấu trong đó; kiểm tra con ngươi và vân tay để ngăn chặn tình trạng thuê người thi hộ.


Một số thiết bị gian lận trong thi cử bị phát hiện
Một số thiết bị gian lận trong thi cử bị phát hiện

Tuy nhiên, các cáo buộc gian lận thi cử vẫn tràn lan, thậm chí có những cáo buộc cho rằng đã có sự xuất hiện của những đường dây gian lận có tổ chức giữa các giáo viên và học sinh. Năm 2013, một cuộc bạo loạn đã nổ ra tại một điểm thi khi các giám thị tìm cách ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử. 

Án tù 7 năm

Kỳ thi đại học năm nay ở Trung Quốc diễn ra đồng loạt trong 2 ngày 7 và 8/6 ở tất cả các địa phương trên cả nước. Ước tính đã có khoảng 9,4 triệu học sinh tham gia vào cuộc thi tuyển nhằm giành giật khoảng 3 triệu chỗ trong các trường đại học ở nước này. Các học sinh tham gia thi các môn Tiếng Trung, toán học, tiếng Anh và một môn tự chọn.

An ninh tại kỳ thi đại học tại Trung Quốc năm nay đã được đưa lên 1 “tầm cao” mới, mà theo truyền thông nước này là kỳ thi “được canh chừng nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay”, với nhiều điểm mới được áp dụng.

Miêu tả như vậy có thể nói là không ngoa khi hành vi gian lận trong thi cử sẽ lần đầu tiên được xem là hành vi phạm tội hình sự, với mức phạt cao nhất là việc bị phạt tù lên đến 7 năm. Trong đó, các thí sinh bị bắt quả tang có hành vi gian lận sẽ bị cấm tham gia các kỳ thi quốc gia trong 3 năm liên tiếp còn mức án tù lên đến 7 năm được áp dụng với những người bị buộc tội tạo điều kiện cho tình trạng gian lận hàng loạt hay bỏ tiền thuê người thi hộ.

An ninh cũng được thắt chặt đến mức lần đầu tiên giới chức Trung Quốc sẽ cử các nhóm cảnh sát đặc nhiệm đi theo làm nhiệm vụ bảo vệ đề thi, bài làm của thí sinh. Tại mỗi điểm diễn ra kỳ thi ở thủ đô Bắc Kinh cũng sẽ có ít nhất 8 cảnh sát như vậy làm nhiệm vụ bảo vệ và phát hiện các dấu hiệu gian lận.

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng đang mạnh tay trấn áp các hình thức giải tỏa căng thẳng được cho là không lành mạnh của học sinh. Vài tuần trước kỳ thi, một số học sinh ở trường trung học Hạ Môn thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến bị chụp ảnh đang xé sách và giấy trong một hành động được cho là để giảm căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi. Lệnh cấm xé sách đã được đưa ra sau khi những hình ảnh này được đăng tải trên internet.

“Theo lệnh cấm được sở giáo dục thành phố đưa ra này, các trường trung học được yêu cầu phải đưa ra hướng dẫn tâm lý phù hợp với học sinh và khuyến khích các em tìm đến các biện pháp giảm thiểu căng thẳng lành mạnh” – CCTV đưa tin.

Các biện pháp chống gian lận nói trên đã được nhiều người ở Trung Quốc ủng hộ nhiệt tình. “Ở năm tôi thi đại học có rất nhiều người gian lận. Tôi nghĩ nếu ở lúc đó tình trạng gian lận bị xem là tội phạm hình sự như hiện nay thì tình cảnh của tôi bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Tôi nghĩ nhiều người khác cũng đã trở thành nạn nhân của vấn nạn đó như tôi” – một tài khoản mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc cho hay.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng các biện pháp an ninh mới vẫn sẽ chưa thể loại bỏ được tình trạng gian lận trong kỳ thi đại học ở Trung Quốc. “Để loại bỏ hoàn toàn được vấn nạn này thì không chỉ phải tăng cường hình phạt mà còn phải cải tổ cả hệ thống xét tuyển tại các trường” – một chuyên gia về giáo dục ở Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn mới đây nhận định.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.