Theo kết luận của Hội đồng tổng mức đầu tư dự án giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.
Cụ thể, tổng mức đầu tư trong Báo cáo FS của Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình là hơn 111,6 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD) được lập theo các quy định của Nghị định số 32/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định Dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 32/2015, do đó làm ảnh hưởng đến việc xác định các nội dung chi phí thuộc tổng mức đầu tư Dự án.
Hội đồng đã xem xét tổng mức đầu tư Dự án theo các quy định của Nghị định 32 trước đây và yêu cầu Bộ GTVT, ACV chỉ đạo Tư vấn lập Báo cáo FS rà soát, tính toán tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 68.
Kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư Dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109,2 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.400 tỷ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.500 tỷ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn thu xếp để thực hiện đầu tư Dự án là 102.489,3 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) cần 293,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư theo PPP trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.
Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện, cần 3.176 tỷ đồng (trong đó 1.588 tỷ đồng vốn tự có và 1.588 tỷ đồng vốn huy động).
Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) do ACV thực hiện cần hơn 93 nghìn tỷ đồng (hơn 36,1 nghìn tỷ đồng vốn tự có và hơn 56,9 nghìn tỷ đồng vốn huy động).
Khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư Dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 của ACV là 30.773 tỷ đồng. Khoản vốn vay (hơn 56,9 nghìn tỷ đồng) dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế...
Dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ) cần hơn 5.930 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.
Bộ GTVT đã đánh giá và liên hệ thực tế tại các cảng hàng không lớn, cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng không rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư các công trình này vì có khả năng sinh lợi tốt. Do vậy, việc huy động vốn thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình này là hoàn toàn khả thi.
Về thời gian, tiến độ thực hiện, Liên danh tư vấn thẩm tra khuyến cáo, Dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian hoàn thiện Báo cáo FS và thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu có thể kéo dài hơn so với dự kiến nên tiến độ dự kiến hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025 như kế hoạch là khó khăn.
Trên thực tế, ngay từ khâu thẩm định, trình duyệt dự án, tiến độ đã chậm khá nhiều so với yêu cầu của Chính phủ (yêu cầu từ tháng 3/2020 nhưng đến cuối tháng 9/2020 mới hoàn thành). Trong trường hợp được Chính phủ thông qua dự án vào tháng 10/2020, các thủ tục chuẩn bị cho dự án giai đoạn 1 sẽ chậm gần 6 - 7 tháng so với yêu cầu.