Ngày 17/11, kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nói đến giám sát của Quốc hội là hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả công tác giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Hội nghị năm nay đã nhận thức rất rõ điều này trong phạm vi đánh giá cũng như những kiến nghị, đề xuất và định hướng cho thời gian tới.
Chia sẻ nhận định được đưa ra trong Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai Chương trình giám sát năm 2024 và các tham luận của các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại 6 kết quả nổi bật, lưu ý một số tồn tại hạn chế trong triển khai hoạt động giám sát thời gian qua.
Về việc triển khai hoạt động giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp cơ sở; đồng thời tiến hành tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trước khi tiến hành đại hội cơ sở. Do đó, công tác nghiên cứu, khảo sát, phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát nhưng không ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.
Cùng với đó, nhiều chuyên đề giám sát của năm 2024 đã có sẵn dữ liệu do Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát như giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” hay giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” là những nội dung đã có báo cáo của Chính phủ hay đã có tổng kết thi hành pháp luật, vấn đề đặt ra là phải khai thác kho dữ liệu này. Đây là điểm thuận lợi và giám sát tới đây tập trung vào công tác ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực thi.
Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn) |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu giám sát của năm 2024 làm theo cách cũ sẽ lại lãng phí thời gian và không đạt được mục tiêu. Quán triệt đặc điểm tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số trọng điểm trong triển khai chương trình giám sát.
Trong đó, liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm đối với các hình thức giám sát khác.
Tiếp tục nghiên cứu cách thức tiến hành chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể trong một buổi có nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay hầu hết là các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều đã trả lời chất vấn. Do đó, xem xét đưa ra chất vấn những nội dung có tính chất liên ngành hoặc liên quan trực tiếp đến nhiều người; nghiên cứu đổi mới để chất vấn đạt hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó tiếp tục làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm tới.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 33 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội. Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện xã hội một số nội dung chính của các chuyên đề giám sát…
Khẳng định quan điểm chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng, không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân…