Sau nhiều năm công tác giám định tư pháp (GĐTP) ì ạch với nhiều “điểm nghẽn”, việc thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP ở cấp trung ương” và việc Quốc hội thông qua Luật GĐTP, trong đó khẳng định vai trò đầu mối của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đem lại hy vọng về nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoạt động tố tụng của hoạt động GĐTP.
Vẫn áp dụng tiêu chuẩn… từ năm 1995
Theo Ban Chỉ đạo Đề án, trong 2 năm qua, nguồn nhân lực được kiện toàn. Nhờ đó, cả nước đã có 3.633 giám định viên (tăng 940 giám định viên) trên nhiều lĩnh vực như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, xây dựng, văn hoá, tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải, nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học kỹ thuật và 400 chuyên gia của các bộ, ngành làm giám định theo vụ việc. Nhiều dự án đã được phê duyệt và triển khai nhằm trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động GĐTP theo Luật GĐTP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, trong thời gian dài vừa qua, lĩnh vực GĐTP còn nhiều yếu kém gây nên những khó khăn cho công tác tư pháp các cấp. Nhiều phần việc tồn đọng đã lâu nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết.
Có thể thấy ở tình trạng các điều kiện phục vụ cho công tác chuyên môn về GĐTP vẫn chưa có nhiều chuyển biến vì hầu hết quy chuẩn chuyên môn dùng cho GĐTP của từng lĩnh vực chưa được các bộ, ngành ban hành hoặc hướng dẫn phù hợp, làm nảy sinh tình trạng có nhiều kết luận giám định về cùng một nội dung, thậm chí mâu thuẫn nhau do thiếu căn cứ khoa học, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Điển hình là hiện vẫn vận dụng Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y được ban hành từ năm 1995 để tiến hành giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe, làm giảm độ tin cậy của cơ quan, tổ chức và công dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu nại về kết quả giám định.
Đại diện Bộ Công an phản ánh, một trong số những nguyên nhân làm chậm quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án là do khâu tổ chức giám định, nhất là đối với những vụ án mà cơ quan điều tra trưng cầu giám định của bộ chuyên ngành, phải phụ thuộc vào thời gian tiến hành giám định của các bộ được trưng cầu, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án. Do vậy, “cải thiện” công tác GĐTP là góp phần giảm án tồn đọng, rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án.
Hoàn thiện tổ chức để tháo “điểm nghẽn”
Khắc phục những bất cập trong công tác GĐTP, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và đại diện Bộ Y tế, Công an đều đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể các mốc thời gian hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn Luật GĐTP, cũng như tiến độ xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị những thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan giám định.
Đặc biệt, nhiều Bộ, ngành, cơ quan tư pháp trung ương rất quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ thường xuyên cho giám định viên, chuyên gia pháp y, người làm công tác giám định để tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên môn, lành nghề trong công tác GĐTP hiện nay.
Tại phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP ở cấp trung ương” chiều 20/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc hoàn thiện cơ chế, tổ chức các cơ quan GĐTP là hành động cụ thể góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về hoạt động tư pháp cả nước, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan pháp y đối với các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, nhất là những cơ quan giám định về các lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, xây dựng, ngân hàng...
Đồng thời, xử lý dứt điểm những nguyên nhân lớn gây ra hạn chế, bất cập cho công tác GĐTP, trong đó chú trọng triển khai Đề án, nâng cao nhận thức của lãnh đạo ở các cấp, các ngành về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động GĐTP trong hoạt động tố tụng, đời sống xã hội…để công tác này thực sự chính xác, khách quan, minh bạch, là cơ sở quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng.
Lãnh đạo Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, Viện đã xây dựng xong Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y và đang trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt trong thời gian tới. |
Huy Anh