Giải mã nguyên nhân khiến tàu chiến Mỹ đâm va liên tiếp

USS John S. McCain bị một lỗ thủng lớn sau va chạm
USS John S. McCain bị một lỗ thủng lớn sau va chạm
(PLO) - Những vụ đâm va liên tiếp gần đây liên quan đến tàu chiến Mỹ trên các vùng biển châu Á khiến dư luận chú ý đến lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới này, khi nhiều chuyên gia cho rằng những hệ thống radar, cảm biến tối tân sẽ chỉ là vô dụng nếu các thủy thủ vận hành không thuần thục kỹ năng hàng hải và chấp hành nghiêm kỷ luật quân sự.

"Theo dự đoán của tôi, đây là lỗi con người trong khi làm việc, cũng giống như vụ tai nạn trước đó", một chuyên gia quân sự bình luận về vụ va chạm giữa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain với tàu dầu gần eo biển Malacca hôm 21/8.

Vì con người, hay máy móc?

Chuyên gia này cho rằng sự quá phụ thuộc vào công nghệ, vấn đề đang ngày càng gây lo ngại trong cộng đồng quốc phòng Mỹ gần đây, đã dẫn tới sự suy giảm trong kỹ năng hàng hải cơ bản cũng như các năng lực cần thiết khác cho thủy thủ để vận hành tàu chiến an toàn trên biển.

Một chuyên gia phân tích cấp cao tại một tổ chức tư vấn quốc phòng, cho biết những hệ thống radar tối tân trên tàu chiến "chỉ phát huy hiệu quả ở một mức độ nhất định", đặc biệt là ở các vùng biển nhộn nhịp tàu bè qua lại.

Hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường va chạm với tàu hàng và bị hư hỏng nặng, có thể sẽ phải nằm bờ sửa chữa trong thời gian dài. Hạm đội tàu chiến Mỹ vốn đã mỏng nay càng bị dàn trải hơn. Việc lấp chỗ trống này không hề dễ dàng. Hải quân Mỹ buộc phải giảm bớt hoạt động, trong khi nhiệm vụ của 10 tàu tuần dương và khu trục hạm còn lại sẽ nặng nề hơn. Một giải pháp khác là triển khai thêm chiến hạm từ Hawaii hoặc lục địa Mỹ.

Vụ va chạm mới nhất xảy ra giữa tàu John S. McCain với tàu dầu hôm 21/8 khiến 5 thủy thủ Mỹ bị thương, 10 người mất tích. Hình ảnh được công bố trên truyền thông cho thấy tàu chiến Mỹ thủng một lỗ lớn ở mạn trái, nơi thợ lặn phát hiện nhiều thi thể thủy thủ mắc kẹt trong khoang.

Đây là tai nạn thứ tư của Hạm đội Thái Bình Dương chỉ riêng trong năm nay. Hồi tháng một, tàu tuần dương Antietam bị mắc cạn ở vịnh Tokyo, gần cảng nhà Yokosuka, Nhật Bản. Đến tháng 5, một tuần dương hạm khác là Lake Champlain đâm vào tàu cá ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Một tháng sau, 7 thủy thủ thiệt mạng khi tàu khu trục Fitzgerald va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal mang cờ Philippines ngoài khơi Nhật Bản. Hai sĩ quan chỉ huy cao nhất trên tàu Fitzgerald đã bị đình chỉ chức vụ, khi kết quả điều tra của Hạm đội 7 cho thấy "sai sót của đội ngũ trực gác và sự lãnh đạo thiếu hợp lý góp phần gây ra va chạm".

Cả 4 vụ va chạm này đều diễn ra với những tàu chiến Mỹ được trang bị các cảm biến phức tạp, đặc biệt là radar trong hệ thống chiến đấu Aegis vốn có thể theo dõi hơn 100 mục tiêu đồng thời ở khoảng cách tới 190 km.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các thủy thủ điều khiển tàu McCain có thể đã không tuân thủ quy định được đề ra để phân chia làn giao thông đi qua eo biển Malacca. Theo ông, tất cả các phương tiện đường thủy khi tới gần những tuyến giao thông đông đúc thường được quản lý bởi một chế độ có tên gọi Sơ đồ Phân luồng Lưu thông (TSS). Những phân tích ban đầu của hãng Jane’s cho thấy tàu dầu đã tuân thủ TSS khi va chạm xảy ra.

Người ta đặt ra giả thuyết rằng các thủy thủ trực đêm trên tàu John S. McCain có thể đã gặp tình trạng mệt mỏi, xao nhãng, không tập trung vào những dữ liệu cảnh báo va chạm mà các hệ thống cảm biến thu thập được nên đã không xử lý kịp thời để tránh tai nạn.

"Liệu có phải các thủy thủ đã quá mệt mỏi, hay các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực này đang được tiến hành quá nhanh? Có phải họ đang phải đối phó với quá nhiều vấn đề trong khu vực như với Triều Tiên, hoạt động ở Nhật Bản và sau đó là tuần tra trên Biển Đông", một chuyên gia đặt câu hỏi.

Tàu John S. McCaine gặp va chạm khi đang trên đường trở về Singapore sau chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên vùng biển này.

Nỗi lo ngại nếu tham chiến

Một sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ nói rằng các ca trực đêm trên những tàu chiến Mỹ như John S. McCain thường do các sĩ quan trẻ, tuổi đời từ 22 đến 24, phụ trách. Họ được hỗ trợ bởi các kỹ thuật viên vận hành radar và đội thủy thủ canh gác ở các vị trí khác nhau trên tàu. Việc tàu John S. McCain bị tàu chở dầu 30.000 tấn đâm trúng chứng tỏ một hoặc nhiều khâu trong chuỗi chỉ huy, vận hành tàu chiến Mỹ gặp vấn đề, sĩ quan này cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thủy thủ đoàn trên tàu chiến Mỹ không nên bị đổ lỗi hoàn toàn cho những vụ va chạm gần đây. "Trong các vụ va chạm như vậy, cả hai bên đều có trách nhiệm, đây là điều thường bị bỏ qua trong những bình luận trước đây liên quan đến tai nạn của tàu USS Fitzgerald", một cựu sĩ quan hải quân Mỹ nói.

Theo vị này, trong vụ va chạm ngoài khơi Nhật Bản, tàu chiến Fitzgerald bị đâm ở mạn phải, chứng tỏ nó không tuân thủ quy định nhường đường cho phương tiện đến từ bên phải theo quy định hàng hải quốc tế, nhưng tàu hàng ACX Crystal cũng phải có hành động phù hợp để tránh va chạm. Còn tàu John S. McCain bị đâm ở bên trái, chứng tỏ tàu chở dầu đã không chấp hành đúng quy tắc nhường đường này.

Ý kiến khác cho rằng một vấn đề thường thấy trong lưu thông hàng hải hiện nay là trong khi các tàu chiến đều có đội ngũ trực ca để quan sát, cảnh giới, phần lớn các tàu hàng đều hoạt động theo chế độ tự lái để giảm thiểu chi phí. Hệ thống lái tự động có tên "Iron Mike" này đang ngày càng gây nhiều lo ngại trong giới chuyên gia hàng hải, bởi nó có thể dẫn tới nhiều vấn đề khi tàu đi vào các vùng biển đông đúc.

Các tàu hàng trọng tải cực lớn như tàu chở dầu, tàu container thường không không muốn tắt chế độ tự lái, điều khiến các hãng tàu tốn thêm thời gian và chi phí nhiên liệu, nhân lực.

Một chuyên gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng việc tìm ra ai là thủ phạm gây ra va chạm không quan trọng bằng nỗi lo ngại về vấn đề nguy hiểm hơn nếu hải quân Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột lớn: "Khi tàu chiến của chúng ta gặp khó khăn đến mức này khi di chuyển trên biển cả, thật đáng lo về những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tham chiến và cách chúng ta hoạt động ở vùng chiến sự. Hải quân Mỹ đang rất cần thêm nguồn lực để huấn luyện và bảo dưỡng những thứ cần thiết".

Trong nhiều thập kỷ, hải quân Mỹ được coi như biểu tượng quan trọng nhất của sức mạnh cường quốc này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với các căn cứ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam và một đội tàu chiến đầy vũ khí hiện đại, hải quân Mỹ là lời nhắc nhở rõ rệt về sức mạnh trấn an đồng minh và răn đe đối thủ trong khu vực.

Nhưng danh tiếng đó dường như đang bị tổn hại sau vụ va chạm giữa tàu khu trục tên lửa John S. McCain và một tàu chở dầu gần Singapore. "Hình ảnh có giá trị hơn ngôn từ rất nhiều. Chiếc tàu này từng gây nhiều sự chú ý nên giờ đây, hình ảnh nó bị đâm thủng sẽ có tác động lớn đến danh tiếng của Mỹ", một chuyên gia nhận xét. 

Truyền thông Trung Quốc nhắc đến các vụ va chạm gần đây để đẩy mạnh chỉ trích, mỉa mai về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. "Hải quân Mỹ luôn cho rằng sự hiện diện của họ có thể giúp bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông. Tuy nhiên họ đang ngày càng trở thành trở ngại nguy hiểm đối với tàu thuyền đi lại tại các vùng biển châu Á", bài xã luận trên China Daily có đoạn viết.

"Tại sao những vụ việc như thế xảy ra hết lần này đến lần khác? Thái độ kiêu ngạo, thô lỗ, vô lý và tự cao tự đại của hải quân Mỹ là gốc rễ vấn đề", một tờ báo khác của Trung Quốc, viết. "Luật quốc tế về tránh va chạm không được tuân thủ, đó là gốc rễ của những tai nạn này".

Tại Nhật Bản, các hãng tin lo lắng về khả năng bảo vệ đồng minh của Washington khi chứng kiến những sự cố thể hiện sự yếu kém trong vận hành của tàu chiến hải quân Mỹ. Báo Yomiuri Shimbun trích dẫn ý kiến của một viên chức hải quân Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về khả năng trinh sát của quân đội Mỹ vào thời điểm căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng.

Tại Hàn Quốc, một số người dùng mạng xã hội nói rằng vụ va chạm gây nghi ngờ về hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tại nước này. Một số khác nói đùa rằng kẻ thù có thể vô hiệu hoá tàu khu trục Mỹ bằng cách triển khai các tàu container.

"Hải quân Mỹ vẫn rất mạnh, nhưng hào quang 'bất khả chiến bại' đã phần nào mờ đi. Uy tín của Mỹ trong khu vực bị giáng một đòn lớn", một ý kiến đánh giá.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.