Trước “Em chưa 18”, chưa có phim Việt nào được nước ngoài mua kịch bản để dựng lại. Trước đến nay, hầu như điện ảnh Việt toàn phải lùng những kịch bản hay để mua và dựng lại. Sự thành công của nhiều phim điện ảnh làm lại từ kịch bản nước ngoài như “Em là bà nội của anh” (kỉ lục doanh thu phim Việt trước “Em chưa 18”, mua kịch bản từ phim Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (mua kịch bản của Thái Lan): “Yêu” (kịch bản Thái Lan)... là một sự bảo chứng cho khả năng “thắng” khi làm lại phim từ kịch bản ngoại.
Lợi thế của kịch bản nước ngoài là đã có sự thẩm định tương đối về độ hút khách khi chiếu bản gốc ở nước ngoài. Cạnh đó, kịch bản ngoại thường được đánh giá cao về chất lượng, kết cấu chặt chẽ, logic, dễ hút khách hơn. Chính vì thế, việc mua kịch bản từ nước ngoài là một giải pháp khá an toàn cho nhà làm phim.
Có thể thấy, làm lại kịch bản phim ngoại đã trở thành một xu thế của phim Việt, thông qua hàng loạt dự án điện ảnh thời gian tới. Song, việc dựa vào kịch bản ngoại dựng lại để hy vọng gây sốt phòng vé cũng chính là “con dao hai lưỡi”, phần nào khiến giảm đi sức sáng tạo, hạn chế thể nghiệm mới lạ của những người làm phim.
Sau cú đột phá của “Em chưa 18”, có lẽ nhiều nhà làm phim sẽ bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng kịch bản sao cho vừa có thể hút khán giả trong nước, lại có thể xuất ngoại, hướng ra tầm quốc tế. Tất nhiên, thành công của “Em chưa 18” hoàn toàn không phải là “ăn may”. Phân tích từ những phim điện ảnh của nước ngoài được mua kịch bản nhiều, cho đến “Em chưa 18” được nước ngoài mua kịch bản, sẽ thấy một công thức tương đối để kịch bản phim điện ảnh dễ ra nước ngoài.
Đầu tiên, chắc chắn phim phải thành công về mặt doanh thu, đó lại là câu chuyện của chất lượng phim, đạo diễn, diễn viên. Cạnh đó, kịch bản phải đủ tốt, hợp thị hiếu khán giả. Và điều quan trọng không thể thiếu, đó là tính “quốc tế” của kịch bản. “Em chưa 18” có một kịch bản không quá “thuần Việt”, với tư duy khá cởi mở, thoáng trong các mối quan hệ gia đình, học đường, tình yêu, cùng cách thể hiện khá “Tây”. Với các yếu tố này, kịch bản khi được dựng lại sẽ dễ dàng cho các nhà làm phim nước ngoài, và cũng dễ để khán giả tiếp nhận hơn.
Bán được kịch bản ra nước ngoài, chắc chắn là một thương vụ làm ăn tốt, tăng doanh thu cho nhà làm phim. Nhưng hơn cả câu chuyện về doanh thu, việc bán kịch bản này còn góp phần quảng bá điện ảnh Việt đến các thị trường điện ảnh khác. Đây cũng là một động lực tốt để thúc đẩy các nhà biên kịch Việt hướng đến việc hoàn thiện chất lượng kịch bản, đa dạng hoá và mở rộng hướng đi cho “đứa con tinh thần” của mình.
Hy vọng rằng, đây sẽ là một sự “mở hàng” xuất ngoại đầy may mắn cho kịch bản phim Việt.