Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 2/6:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,95-57,57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/6. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 620.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,95-57,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/6. Chênh lệch giá mua - bán vàng 500.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,90-57,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 2/6. Chênh lệch giá mua – bán vàng 550.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.898,90 USD/ounce, giảm 0,6 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.145), tương đương 53,54 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 4,03 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm do lợi suất trái phiếu tăng và nhu cầu đối với tài sản rủi ro trên thị trường gây áp lực lên giá vàng.
Ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho biết, một số hành động chốt lời vì lợi suất trái phiếu tăng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. “Thị trường vàng xuất hiện sự điều chỉnh, đặc biệt là trước khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được công bố. Tuy nhiên, tất cả tín hiệu về lạm phát vẫn có lợi đối với vàng trong dài hạn”, ông nói.
Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất nhà máy của Mỹ đã tăng trong tháng 5, theo đó gia tăng nhu cầu của giới đầu tư đối với thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng nhờ đó tăng vượt 1,6% sau khi lên cao nhất trong hơn 1 tuần. Lợi suất cao làm tăng chi phí cơ hội đối với người sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.