Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức 55,70-56,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 420.000 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng niêm yết ở mức 55,40-56,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 1,2 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng niêm yết ở mức 55,80-56,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 170.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 400.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng được niêm yết ở mức ở mức 1.735,30 USD/ounce, tăng 19 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.120), giá vàng thế giới tương đương 48,88 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 7,24 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đi lên trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ tại các quốc gia có nền kinh tế lớn bất ngờ đi xuống. Nhà đầu tư hạn chế đưa vốn vào trái phiếu, đồng nghĩa một phần của dòng tiền đã chảy vào kim loại quý, tạo động lực cho giá vàng tăng.
Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu so với nhiều đồng tiền mạnh khác nên giá vàng có thêm điều kiện để khởi sắc. Đặc biệt, giới đầu tư tài chính ồ ạt chốt lời cổ phiếu khiến 3 chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi tăng dữ dội vào phiên giao dịch trước. Vì vậy nhiều người có thể đã dịch chuyển vốn các kênh khác trong đó có vàng.
Mặt khác, biến thể mới Covid-19 đã xuất hiện tại 15 tiểu bang ở Mỹ. Số ca nhiễm tại châu Âu gia tăng. Nước Đức dự kiến gia hạn thời gian hạn chế các hoạt động kinh tế - xã hội đến cuối tháng 3 -2021 cũng khiến giá vàng tăng trở lại.