Theo điều tra, chiều 25/3, nhóm đối tượng đi 3 ô tô từ Bình Dương đến Vũng Tàu chơi. Khuya cùng ngày, tại đường 2 Tháng 9 (phường 11, TP Vũng Tàu), các đối tượng dừng xe, rủ nhau quay video đua ô tô để đăng lên mạng xã hội. Các đối tượng thay nhau rồ ga diễn cảnh 2 ô tô xuất phát trong cuộc đua tốc độ, xoay vòng trên đường, khói từ lốp xe bốc lên mù mịt để ghi hình; rồi đăng video lên mạng xã hội.
Chỉ trước đó 2 ngày, ngày 8/11, Công an Thủ Đức (TP HCM) cũng tạm giữ nhóm đối tượng 3 nam thanh niên để điều tra, xử lý về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Các đối tượng khai “muốn thể hiện bản thân, quay clip tung lên trên mạng xã hội để nhiều người biết đến” nên tự ghi hình một số màn “biểu diễn” xe máy nguy hiểm như bốc đầu xe, vừa bốc đầu vừa thả 2 tay, chở 3 để bốc đầu… Nơi diễn ra các màn “biểu diễn” là Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tại Tiền Giang, ngày 24/10, nhóm thanh niên “làm xiếc” với xe máy trên QL1 rồi quay clip tự đưa lên mạng, cũng bị bắt để điều tra về hành vi tương tự.
Một trong những vụ “biểu diễn” tai tiếng nhất, là hồi đầu tháng 9, một “hot girl” cùng một nam thanh niên điều khiển mô tô phân khối lớn lưu thông ở Khu đô thị Thủ Thiêm (Thủ Đức), “biểu diễn” các động tác như đứng 2 chân một bên xe, thả 2 tay, ngồi một bên yên... Trong các lần chạy xe vi phạm, nữ đối tượng đều cho ghi hình, sau đó đăng 5 video lên tài khoản mạng xã hội (có 6,8 triệu người theo dõi), nhận tổng cộng hơn 478 ngàn lượt thích; 4.881 lượt bình luận; 9.848 lưu video; 5.787 lượt chia sẻ... Nữ đối tượng và huấn luyện viên sau đó đã bị bắt để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Cả 4 vụ án trên đều có cùng một số điểm chung. Thứ nhất, các đối tượng đều có quan niệm lệch lạc, cho rằng những hành vi như vậy là “ngầu”, là “giá trị”, là “hơn người”; trong khi thực tế đó là hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai, các đối tượng đều tự “vạch áo cho người xem lưng”, khi tự “biểu diễn”, tự ghi hình, tự tung lên mạng; nói theo ngôn ngữ tố tụng thì là tự tạo chứng cứ để tố cáo, buộc tội chính mình. Thứ ba, hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm, việc đăng tải, phát tán những nội dung trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ nói riêng và một bộ phận xã hội nói chung…
Tuổi trẻ, ai cũng có một giây phút nào đó nông nổi, bồng bột, ngông cuồng. Đặt ví dụ bất kỳ thanh niên nào đó, nếu có lỡ một lần “bốc đầu” xe máy trên đường, thì cùng lắm chỉ bị phạt hành chính nếu bị lực lượng chức năng bắt quả tang, hoặc bị người khác ghi hình phản ánh. Nhưng nếu vi phạm rồi tự ghi hình và đăng lên mạng rồi còn “tự hào” về hành vi đó, thì lại là chuyện khác, có thể là hình sự.
Cách xử lý với những vụ việc nêu trên của cơ quan chức năng là lời cảnh tỉnh cho những người sử dụng mạng xã hội, cho giới trẻ, rằng đừng lầm tưởng mạng xã hội là “ảo” nên có thể “phủi tay”. Dù là trên mạng hay ngoài đời thực, ai cũng phải chịu trách nhiệm với bất kỳ lỗi lầm nào bản thân mình gây ra.