Không hẹn mà gặp, các mặt hàng thiết yếu đều đua nhau tăng giá. Nhưng trong mắt người tiêu dùng, giá gas, rồi cũng như giá xăng dầu, giá điện cũng không hẹn mà gặp, đều có điểm chung là thiếu minh bạch. Người tiêu dùng đành chấp nhận nhưng nỗi ấm ức thì vẫn còn đó.
Các DN kinh doanh gas vẫn khăng khăng chiết khấu hoa hồng cho đại lý là một “bí mật kinh doanh” |
Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá gas đã tăng hai lần, với mức tăng tổng cộng từ 103.000 -106.000 đồng/bình 12 kg, tùy từng hãng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp không quản được giá tại các đại lý, nên mỗi khi thị trường biến động, đại lý lại đua nhau tăng giá vô tội vạ. Theo thông tin từ các doanh nghiệp gas đầu mối như Saigon Petro, MT Gas, Petrolimex gas, từ 1/9, giá gas bán lẻ trên thị trường lại đồng loạt tăng thêm 51.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng tương ứng 4.250 đồng/kg so với đầu tháng 8, giá gas tới tay người tiêu dùng dao động ở mức 418.000- 420.000 đồng/bình 12kg tùy từng hãng.
Từ đầu năm tới nay, giá gas đã tăng 7 lần với mức tăng tổng cộng 240.000 đồng/bình loại 12kg và giảm giá 4 lần với mức giảm tổng cộng 163.000 đồng. Tính chung, giá gas vẫn tăng 77.000 đồng mỗi bình 12 kg.
Các chuyên gia phân tích, theo Nghị định 107 về kinh doanh khí hóa lỏng, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng quyền định giá gas hiện trong tay các đại lý, do các doanh nghiệp kinh doanh gas có rất ít các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Việc bán hàng chủ yếu thông qua hệ thống tổng đại lý, đại lý, các cửa hàng bán lẻ với hợp đồng mua đứt, bán đoạn. Vì vậy, khi các công ty không quản lý được hệ thống phân phối này, thì đương nhiên giá gas trên thị trường đang do các đại lý quyết định và thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng.
Chính sự nhập nhèm trong hệ thống phân phối, nên giá bán lẻ đến từng hộ gia đình thì giá bị đội lên rất khác nhau, có thể chênh lệch từ 20.000-40.000 đồng/bình 12kg.
Tại sao giá thế giới tăng một, giá gas trong nước tăng hai? - Mang câu hỏi này đi chất vấn, đại diện một số doanh nghiệp gas đầu mối chẳng ngần ngại “đập vào mặt” phóng viên: “Đi mà hỏi Bộ Tài chính”! Vị này cho rằng, không phải muốn tăng là tăng, mà trước khi tăng giá, các đại lý phải có văn bản báo cáo gửi Sở Tài chính địa phương, còn doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải thông báo giá bán đến Bộ Tài chính. Nếu tính gian sẽ bị Bộ Tài chính “tuýt còi” ngay.
Với cách giải thích này, đành phải “đánh cược” rằng, bộ chưa “tuýt còi” nghĩ là thị trường vẫn “ổn”. Trong khi đó, lý giải về tình trạng các đại lí tự ý tăng giá gas vô tội vạ, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, “gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các đại lí, DN muốn tăng giá phải thông qua Sở Tài chính địa phương. Lực lượng thanh tra tài chính sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện việc kiểm tra giá gas ở các đại lí. Nếu người dân thấy giá đại lí tăng cao hơn giá quy định thì hãy báo về cơ quan chức năng để xử lý..”. Suy cho cùng, “quả bóng trách nhiệm” lại chuyền đi, chuyền về.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 5,04% so với tháng 8 /2011, tăng 2,86% so với tháng 12/2011, đưa CPI bình quân 8 tháng qua tăng 10,41% so với bình quân cùng kỳ 2011. “Đóng góp” vào mức tăng CPI, trong đó, giá gas bình quân cả tháng đã tăng 8,02% theo đà tăng giá thế giới; giá bán điện sinh hoạt tăng 2,24% do nhu cầu sử dụng tăng cộng với giá điện được điều chỉnh tăng 5% kể từ ngày 1/7/2012 theo quyết định của Bộ Công Thương. Đặc biệt, với tác động của ba đợt điều chỉnh giá liên tiếp, chỉ số giá xăng dầu chung tháng 8/2012 đã tăng 2,04% (tổng cộng mỗi lít xăng tăng 2.300 đồng/lít, dầu diezel tăng 900 đồng/lít) kéo theo giá một số dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,26%.
Như vậy, không hẹn mà gặp, các mặt hàng thiết yếu đều đua nhau tăng giá. Nhưng trong mắt người tiêu dùng, giá gas, rồi cũng như giá xăng dầu, giá điện cũng không hẹn mà gặp, đều có điểm chung là thiếu minh bạch. Người tiêu dùng đành chấp nhận nhưng nỗi ấm ức thì vẫn còn đó.
Mai Hoa