Những phận người bất hạnh
Ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Thuật (41 tuổi, ngụ xóm 3, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thấp lè tè, khác với những căn nhà khác. Bởi trong căn nhà nhỏ ấy có đến 4 người đều mang hình hài “chú lùn”. Anh Thuật cao chưa đến 1m, ba cô con gái cũng di truyền gen “tí hon” giống bố.
Anh Thuật kể, gia đình anh có đến 4 đời phải sống cảnh “chú lùn”. Trước đó, bà nội và bố của anh cũng “nổi tiếng” trong làng vì lùn. Do chiều cao chưa đến 1m nên mọi sinh hoạt khó khăn, chiếc giường mua về cũng phải cưa bớt chân để dễ lên xuống.
Trong cuộc sống thường nhật, họ còn chịu nhiều thiệt thòi, bị một số người châm chọc.“Lúc nhỏ, tôi còn vô tư nên không để ý đến chuyện ngoại hình, nhưng khi lớn lên, bị bạn bè trêu chọc, tôi cảm thấy tự ti. Cũng vì lùn mà tôi không dám đem lòng thương cô gái nào”, anh chia sẻ.
Năm 2006, hạnh phúc muộn đã đến với anh khi có người phụ nữ cao ráo chấp nhận nên duyên vợ chồng. Chị Hồ Thị Hồng (42 tuổi) vốn người xã bên, từng một lần “đứt gánh”.
Chị Hồng kể: “Nói thật lúc đầu tôi quyết định đến với anh vì tình thương hơn là yêu đương. Cao chưa đầy 1m nhưng anh luôn chịu khó làm việc để nuôi người bố nằm liệt một chỗ nhiều năm liền”.
Trước khi chấp nhận đến với anh Thuật, người phụ nữ ấy từng có một đời chồng và con gái riêng. Chỉ kể, sau khi cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, bản thân vô cùng chán nản. Cuộc sống trăm bề khó khăn, nhà cửa không có nên hai mẹ con phải tá túc nhà bà ngoại. Ngặt nỗi, hoàn cảnh của mẹ chị cũng khó khăn vì bố mất sớm. Sau 5 năm ở vậy nuôi con, chị chấp nhận lấy anh Thuật khi được người thân mai mối.
Từ khi về chung một nhà, chị ân cần chăm sóc bố chồng bệnh tật. Ông cụ nhiều năm nằm liệt, cơ thể nhiều vùng lở loét. Sau một thời gian dài chị Thuật hiếu thuận chăm sóc, ông qua đời cách 3 năm trước.
Chị Hồng nghẹn ngào chia sẻ về các con. |
Vợ chồng anh chị lại tất bật với công việc thường nhật, nuôi đoàn con 4 người thì có 3 người di truyền gen “chú lùn” từ bố. Ngoại hình thiệt thòi khiến những đứa trẻ luôn mặc cảm, tự ti với bạn bè.
Chị Hồng rơi nước mắt kể, cháu Nguyễn Thị Nhung (12 tuổi) học rất khá, nhưng tính cách luôn rụt rè. Các thầy cô kể lại, hàng ngày sau mỗi tiết học, cháu chỉ ngồi trong lớp không dám ra chơi với các bạn. Càng e thẹn, cháu lại càng bị các bạn trêu chọc. Nhiều hôm thấy con về trốn khóc ở góc nhà, chị Hồng gặng hỏi mới biết chuyện. Khi đã biết sự tình,lòng người mẹ ấy cùng sầu muộn theo.
Chị tâm sự, vì thương con nên bản thân cũng mặc cảm với các phụ huynh trong lớp của con. Do vậy, mỗi lần đến dịp họp phụ huynh, chị chỉ dám ngồi phía sau. “Mỗi lần nhìn con đứng với các bạn, lòng tôi lại xót xa. Ước chi có phép màu để tôi có thể hoán đổi ngoại hình của mình cho các con”, chị nói trong nước mắt.
Cũng giống như chị gái, người em thứ 3, Nguyễn Thị Hòa (7 tuổi) cũng mang hình hài tương tự. Học lớp 2 nhưng em Hòa chỉ cao như đứa trẻ lên hai. Mỗi khi thấy người lạ vào, em vội lẩn trốn đi nơi khác. Nhìn con, chị Hồng chỉ biết rơi nước mắt.
Bất hạnh hơn, cô con gái út là Nguyễn Thị Hiền (4 tuổi) cùng lúc gánh hai căn bệnh hiểm nghèo là tim bẩm sinh và bệnh Down. Đã 4 tuổi nhưng Hiền chỉ cao 70cm, nặng 10kg, chưa biết nói, biết đi, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà. Từ ngày sinh cô con gái út mắc bệnh hiểm nghèo, chị Hồng ôm con nằm viện triền miên, cuộc sống càng thêm nghèo túng.
Khát vọng sống
Anh Thuật cho hay, vì thân hình quá bé nhỏ nên đi đến đâu xin việc, anh cũng chỉ nhận được ánh nhìn thương hại và cái lắc đầu từ chối. Xin đi phụ hồ, quét vôi ve, bốc vác nhưng không ai thuê anh làm. Nhiều khi muốn đi cày cũng không được vì ruộng ở đây là ruộng trũng. Có lần bí quá, anh đánh liều thử ra thì bị lún đến hơn nửa người. Vừa sợ vừa hoảng, chới với anh mãi mới thoát ra được.
Không khuất phục số phận, anh tự xoay xở với nhiều công việc khác để mưu sinh. Có thời điểm anh cuốc bộ gần chục cây số lên thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) để bán tăm. Công việc bấp bênh, nhiều lần về đến nhà hai bàn chân mệt rã, nhưng anh luôn cố gắng.
Anh luôn nhớ lời dạy của người bố: “Khi còn sống, ông thường nói: chúng tôi có thể thấp bé hơn so với người khác nhưng phải có quyết tâm gấp đôi họ để bù lại. Chúng tôi chỉ cần siêng năng thì không bao giờ phải sợ đói”. Tiếp thu những lời dạy đó, anh luôn chăm chỉ làm việc để phụ vợ chăm con, đồng thời dạy dỗ con cái biết chấp nhận sự thật để tự vươn lên.
Vài năm trở lại đây, với mong muốn kiếm tiền để chữa bệnh cho con gái út, anh đành vào tận tỉnh Khánh Hòa nuôi bò sữa giúp người họ hàng. Mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều đè lên vai chị Hồng. Thương các con thiệt thòi về ngoại hình, chị càng thương bé út mắc nhiều chứng bệnh.
Người mẹ lo lắng về tương lai những đứa con “tí hon”. |
Cách đây hơn 1 tháng, hai vợ chồng đã ôm con ra Hà Nội với mong muốn chữa bệnh tim cho cháu. Nhưng sau khi được các bác sỹ tư vấn, chị đành rơi nước mắt ôm con về nhà.“Cháu nó yếu quá, nên bác sỹ không tiến hành phẫu thuật được. Hơn nữa, vì cháu mắc cùng một lúc nhiều bệnh nên gia đình không biết bắt đầu chữa trị từ đâu, trong khi tiền thì không có”, chị Hồng ôm con nghẹn ngào.
Trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên, chị Hồng liên tục khóc nấc. Những giọt nước mắt cứ thế chảy dài trên khuôn mặt sạm đen. Chị nghẹn ngào: “Số tôi lận đận…tôi chấp nhận điều đó. Tôi chỉ mong các con của mình có cuộc sống đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa. Mong chúng nó lớn lên sẽ kiếm được tấm chồng khỏe mạnh như bao người…”.
Ngồi lặng lẽ trên chiếc giường ở phía trong, em Nhung buồn rầu tâm sự: “Có mấy bạn nói em là đồ lùn, đồ vô dụng, không làm được gì cho đời…Mới đầu em nghe cũng buồn, nhưng từ khi được mẹ động viên, em đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Em muốn mình học tốt để sau này tìm cho mình được công việc có thể tự nuôi bản thân. Cuộc đời bố mẹ đã quá khổ cực, em không muốn cứ mãi luẩn quẩn trong căn nhà nghèo khó”.
Dù mới ít tuổi nhưng em Nhung đã giúp cha mẹ lo cơm nước, quán xuyến công việc trong nhà, trông em cho mẹ làm việc. Lấy mấy trăm nghìn đồng được cất cẩn thận trong túi quần, chị Hồng khoe: “Nhờ cháu Nhung trông các em nên mới đây tôi mới có thời gian đi làm cỏ dứa thuê cho người ta với tiền công hơn 100 nghìn đồng mỗi ngày. Số tiền này tôi định bụng sẽ sắm sách vở cho các con vì năm học mới sắp đến”.
Nói rồi chị bộc bạch: “Cuộc đời vợ chồng tôi đã chịu nhiều thiệt thòi. Do vậy, tôi muốn các con được ăn học đầy đủ, để sau này có thể tìm được công việc nuôi bản thân. Có như vậy, các cháu mới dễ dàng tìm được mái ấm bình thường, để cải thiện nòi giống”.
Theo số liệu từ PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tháng 10/2014, người Việt thấp nhất khu vực châu Á, với chiều cao trung bình của nữ giới là 1m53, nam giới là 1m64, cách biệt 8-10 cm so với Nhật và Hàn Quốc. Đáng chú ý, Nhật Bản từng là một trong những dân tộc lùn nhất châu Á, giờ đây đã vươn lên vị trí thứ 3 châu lục (1m7 ở nam, 1m58 ở nữ). Điều này chứng tỏ rằng chiều cao hoàn toàn có thể cải thiện chứ không phụ thuộc 100% vào gen di truyền.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. TTƯT, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cũng cho biết để quyết định chiều cao của một người, chỉ có 23% từ di truyền (tức là phụ thuộc vào chiều cao của bố mẹ - yếu tố khó thay đổi).
Theo đó, nếu biết cải thiện chế độ dinh dưỡng, tích cực vận động, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện chiều cao.
Theo BS Tường Vi, chiều cao ở nam chỉ ngừng phát triển ở tuổi 25, nữ là 23. Trong khoảng thời gian trước đó, bố mẹ hoặc bản thân có thể cải thiện chiều cao bằng các biện pháp sau đây.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng chiếm 32% trong các yếu tố quyết định chiều cao của con người. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng cần phải có đủ năng lượng phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo nguyên tắc không quá ít hay quá nhiều. Bữa ăn cần đủ 4 yếu tố: đạm (10-15%), tinh bột (chiếm 60-65%), chất béo (chiếm 10%) và chất xơ (20-25%).
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, mỗi ngày cần uống 500 ml sữa, có thể dùng sữa tươi hoặc sữa bổ sung canxi, sử dụng thêm sữa chua 1-2 hộp hoặc phô mai. Trong bữa ăn chú ý tăng thực phẩm có nhiều canxi như tôm tép ăn cả vỏ, cua đồng, cá kho nhừ ăn cả xương, các loại rau xanh, đậu nành và sản phẩm lên men từ đậu nành.
Khoảng 20% chiều cao phụ thuộc vào môi trường và điều kiện sống. Nhiều người đã bỏ qua tác dụng quan trọng của vitamin D có trong ánh nắng mặt trời (trước 10h sáng, sau 16h) đối với sự tăng trưởng chiều cao. Các chuyên gia luôn khuyến nghị các mẹ cho trẻ nhỏ ra tắm nắng 10-25 phút mỗi ngày để tăng cường vitamin D. Với người lớn, việc tránh nắng quá kỹ là điều không cần thiết.
Những môn thể thao giúp phát triển chiều cao rất tốt bao gồm bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, đặc biệt là đu xà. Sở dĩ người Việt thấp hơn các quốc gia khác một phần nguyên nhân rất lớn là do lười thể dục, hoặc có tập nhưng không nghiêm túc. Do đó, bố mẹ nên rèn cho trẻ tập các môn thể thao ngay từ khi còn bé để cải thiện tốt nhất chiều cao.