Số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố sáng nay, 29/9, cho thấy, GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.
Lý giải nguyên nhân GDP quý III/2021 có mức giảm sâu, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh: Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó, COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp của cả nước như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ....
"Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế", đại diện TCTK khẳng định.
Trao đổi với PLVN, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực phân tích, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, khiến GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất từ khi đổi mới.
“GDP quý III giảm sâu hơn nhiều so với dự báo đầu tháng 9 của chúng tôi, chứng tỏ tác động rất ghê gớm của dịch bệnh, nhất là vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Mặc dù vậy, điểm sáng của nền kinh tế vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo (tăng 6% trong 9 tháng đầu năm so cùng kỳ) và lĩnh vực nông – lâm ngư nghiệp (tăng 2,74%)…”, ông Lực phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, việc giảm sâu của lĩnh vực dịch vụ cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine và giãn cách xã hội phù hợp.
“Điều này càng cho chúng ta thấy đã đến lúc Việt Nam cần thống nhất thay đổi mô hình phòng chống dịch bệnh phù hợp hơn, hiệu quả hơn, cũng như mô hình sản xuất – kinh doanh linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới…”, ông lưu ý,
Để cả năm GDP đạt mức tăng 3% hoặc 3,5% thì theo TS Cấn Văn Lực, Quý IV/2021 phải đạt mức tăng trưởng tương ứng khoảng 5,3% và 7%.
“Rõ ràng là phải nỗ lực rất nhiều, rất quyết liệt và đặc biệt là mở của nền kinh tế phù hợp. Tôi cho rằng mục tiêu kép và an sinh xã hội trong bối cảnh mới với mức tăng trưởng như vậy vẫn có thể đạt được nếu như chúng ta có những điều chỉnh phương thức, chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn vì tiềm lực và sức bật (nhất là khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ) là rất lớn, vốn dĩ bị kìm nén lâu nay…”, TS Cấn Văn Lực quả quyết.
Với lạm phát, chỉ số CPI 9 tháng bình quân tăng 1,82% so với cùng kỳ, theo TS Cấn Văn Lực cũng phù hợp với sức cầu yếu của nền kinh tế, với chính sách giảm giá dịch vụ của Nhà nước và với vòng quay tiền chậm.
“Với đà này, chúng tôi dự báo lạm phát bình quân cả năm sẽ chỉ xoay quanh mức tăng 2,5%, cũng là mức thấp nhất trong 10 năm qua (trừ năm 2015 chỉ tăng 0,63%). Đây cũng là thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong bối cảnh áp lực lạm phát và giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thế giới tăng nhanh…”, vị chuyên gia này khẳng định.