TP Hồ Chí Minh: Tập trung tối đa cho công tác bầu cử
Hiện nay, công tác chuẩn bị mọi mặt cho ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại TP HCM đang được khẩn trương thực hiện. 3.211 tổ bầu cử ở 24, quận, huyện của TP HCM đã được thành lập, trong đó có 46 tổ bầu cử của 46 khu vực bỏ phiếu riêng.
Danh sách toàn bộ hơn 3,352 triệu cử tri của TP HCM cũng đã được niêm yết tại các điểm bầu cử trên địa bàn thành phố. Tại TP HCM đã có 48 hồ sơ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, 2 trong số 48 người tự ứng cử đã được lựa chọn vào danh sách chính thức bầu cử.
Nhiệm kỳ 2016-2020, TP HCM sẽ bầu ra 30 đại biểu Quốc hội trong 36 ứng cử viên; 105 Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong 175 ứng cử viên; 943 Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện trong 1.568 ứng cử viên và 9.363 Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trong 15.599 người được đưa ra bầu.
Kiểm tra điểm bầu cử tại ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. (Ảnh: TPO) |
Cà Mau: Khắc phục khó khăn trong công tác bầu cử
Tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lực lượng để đưa, rước người dân ở những vùng giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, nhằm giúp cử tri thể hiện trách nhiệm và quyền làm chủ công dân trong ngày bầu cử chính thức diễn ra.
Thông tin với đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH và đoàn công tác, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh Cà Mau Nguyễn Kiên Cường cho biết: Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư đều được tỉnh chủ động thực hiện bảo đảm nội dung, trình tự, tiến độ thời gian theo quy định; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, lựa chọn giới thiệu người có lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật ứng cử. Công tác hiệp thương được tổ chức bảo đảm nội dung, quy trình, thời gian quy định.
Sau ba lần hiệp thương, Cà Mau đã chốt danh sách: 13 người ứng cử đại biểu QH (ba người do T.Ư giới thiệu, còn lại đang công tác tại địa phương); 91 người ứng cử HĐND cấp tỉnh; 522 người ứng cử HĐND cấp huyện và 4.823 người ứng cử HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016-2021.
Từ nay đến ngày bầu cử, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu: “Uỷ ban bầu cử cấp huyện, cấp xã tiếp tục rà soát danh sách cử tri; kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, nếu có sai sót phải chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, tăng cường làm việc với lãnh đạo các công ty, xí nghiệp, chủ doanh nghiệp để sắp xếp thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tham gia bầu cử. Uỷ ban bầu cử huyện Trần Văn Thời và Ngọc Hiển hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác bầu cử sớm vào ngày 21/5 tại 2 cụm đảo Hòn Chuối và Hòn Khoai. Đồng thời, lưu ý các địa phương phải nghiêm túc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cử tri tham gia bầu cử đúng luật, đúng thời gian quy định”.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, tại xã Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) |
Bình Dương in tờ rơi tuyên truyền
Sáng nay (18/5), tại xã Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại hội nghị, cử tri đã được nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động 5 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV thuộc đơn vị bầu cử số 2 và 5 ƯCV HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc đơn vị bầu cử số 11. Sau khi nghe tiểu sử và chương trình hành động, bà con cử tri xã Hội Nghĩa đánh giá cao về trình độ, năng lực, chương trình hành động và tin tưởng các ứng cử viên sẽ hoàn thành tốt chức năng người đại biểu.
Thay mặt các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH khóa XIV bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng tiếp thu ý kiến của người dân. Ông Trần Văn Nam cũng khẳng định những ý kiến cử tri trình bày là tâm tư, nguyện vọng của người dân, các ứng cử viên sẽ tiếp tục thực hiện tốt các vai trò để xứng đáng với niềm tin của cử tri.
Trước đó, ngày 16/5 tại UBND thị xã Thuận An, đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng bầu cử Quốc gia do đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Dương, Ủy ban bầu cử thị xã Thuận An, Ủy ban bầu cử phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An).
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Bình Dương đã cơ bản hoàn thành, các nội dung đúng luật, đúng tiến độ, thời gian quy định, đảm bảo an toàn...
Tỉnh đã có nhiều cách làm hay như: in tờ rơi gửi đến hộ gia đình, các câu lạc bộ, chủ nhà trọ; tổ chức tuyên truyền bầu cử cho đối tượng chức sắc tôn giáo; sử dụng nhiều loại hình, phương tiện trong tuyên truyền bầu cử kể cả truyền hình trực tiếp 2 tổ bầu cử trong ngày khai mạc 22/5; rút kinh nghiệm từ các vụ việc xảy ra trên địa bàn kịp thời có giải pháp, chính sách giải quyết phù hợp...
Cử tri TP Đà Nẵng nghiên cứu tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp (Ảnh: Báo CADN Online) |
Đà Nẵng: Công tác vận động bầu cử bình đẳng, dân chủ, công khai và bảo đảm an toàn
Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài việc tổ chức vận động bầu cử dưới 2 hình thức theo quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đó là: ứng cử viên trực tiếp tiếp xúc, trao đổi, trình bày Chương trình hành động trước cử tri do MTTQ chủ trì thực hiện và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; Mặt trận còn tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên và hướng dẫn công tác bầu cử theo địa bàn khu dân cư do Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì.
Đây là việc làm rất cần thiết, nhằm giúp cử tri nắm chắc hơn thể thức bầu cử và quá trình hoạt động của từng ứng cử viên; qua đó, tự mình lựa chọn những người đủ tài, đủ đức thay mặt cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước (Quốc hội) và cơ quan quyền lực của địa phương (HĐND). Vì vậy, công tác mạn đàm phải được thực hiện chu đáo, đúng luật; phải bình đẳng, công khai, dân chủ và bảo đảm an toàn.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho các công tác: phát thẻ cử tri, trang trí khu vực bỏ phiếu, phổ biến thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu; công tác đảm bảo các điều kiện cho ngày bầu cử và bảo vệ bầu cử.
Các sở, ngành, địa phương liên quan cũng đề xuất nhiều kiến nghị nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử ngày 22/5 diễn ra đúng luật định, an toàn và thực sự là Ngày hội của toàn dân.