Những giây phút không quên
Hàng năm, cứ mỗi độ tháng 4 về, trong không khí tưng bừng, náo nức của đất nước kỷ niệm Chiến thắng lịch sử 30/4, Bảo tàng Lực lượng Tăng - Thiết giáp lại chứng kiến cuộc gặp mặt đầy xúc động của những người lính xe tăng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Họ quây quần bên chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 - bảo vật quốc gia, để ôn lại những kỷ niệm chiến đấu gian khổ hào hùng.
Xe tăng T59 số hiệu 390 do Trung úy, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn làm trưởng xe. Kíp xe gồm Trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên - Pháo thủ số 1, Thiếu úy Lê Văn Phượng - Đại đội phó kỹ thuật (thay thế Pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau) và Nguyễn Văn Tập - lái xe. Tuy nhiên, từ tháng 4/2016, kíp xe tăng 390 lịch sử chỉ còn 3 người gặp mặt vì Đại đội phó Kỹ thuật, Pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng đã mất vì bệnh nặng vào ngày 27/3/2016.
“Là người lính, chúng tôi chỉ mong muốn hoàn thành nhiệm vụ, chứ chẳng nghĩ mình lại làm nên giây phút lịch sử, dùng xe tăng húc đổ cánh cửa thép của dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến kéo dài 30 năm của dân tộc”, đó là tâm sự chung của cả kíp xe tăng.
Trung úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, trực tiếp chỉ huy xe tăng 390 nhớ lại, 8h ngày 30/4/1975 đơn vị có mặt tại cầu Sài Gòn. Lúc này, trên cầu Sài Gòn, 3 xe tăng của ta và 1 xe M48 của đối phương đang cháy. Trên trời, những chiếc máy bay A37 gầm rú dội bom xuống cầu, hòng ngăn chặn lực lượng của ta. Lập tức, những khẩu súng máy trên các xe tăng của ta đồng loạt nhả đạn, buộc máy bay địch phải vọt lên cao thả bom nhưng không trúng cầu. Nhận định tình hình, quân ta bàn bạc việc qua cầu đánh thẳng vào TP Sài Gòn.
Ấn tượng của ông Tập về pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng là: “Anh Phượng là Đại đội phó Kỹ thuật nên xe thường đi sau đội hình để sửa chữa những chiếc xe hỏng hóc trên đường hành quân. Đơn vị chúng tôi hành quân chủ yếu trên đường Trường Sơn nên tình trạng kỹ thuật xe luôn phải đảm bảo. Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như bị máy bay bắn trúng đội hình, xe cháy, đứt xích, lật xuống vực, chết máy dưới ngầm… Được anh Phượng chỉ huy sửa chữa, khắc phục nên xe trên đường hành quân cũng như trong các trận chiến đấu luôn ở trạng thái tốt nhất”.
Đơn vị nhanh chóng qua cầu, đi đến đâu, xe của đối phương bị tiêu diệt và cháy đến đó. Xe 390 lao lên vượt qua chướng ngại vật và tiến về ngã tư Hàng Xanh rồi rẽ trái theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đi đến cầu Thị Nghè, xe tăng 390 phát hiện xe 387 của ta bị trúng đạn, một chiến sĩ bộ binh đi cùng xe hy sinh.
“Trong sáng 30/4/1975, nếu Trung sĩ Nguyễn Văn Tập lái xe mà chậm nửa giây thôi thì chắc xe trúng bom rồi. Trên đường vào dinh, xe 390 bị hai xe tăng M8 và M113 của đối phương chĩa nòng súng nhả đạn, nhưng Trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên đã quay súng, bắn tiêu diệt luôn xe tăng đối phương để tiến thẳng vào cổng dinh”.
“Chúng tôi là những người lính quen ở rừng, bây giờ vào TP lạ, không biết đường vào Dinh Độc Lập. Một thanh niên đi ngược chiều bảo: “Các anh đi nhầm đường rồi”. Khi xe đến Dinh Độc Lập, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào anh Toàn?”. Tôi nói: “Cứ xông thẳng vào”. Chiếc 390 húc đổ cánh cửa sắt - sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn, mở đường cho quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy. Giờ đây, nếu cho tôi trở lại thời khắc đó, tôi cũng sẽ dõng dạc ra lệnh: “Cứ xông thẳng vào””, ông Toàn hồi ức.
Hỏi cảm nghĩ về thời khắc ông quyết định điều khiển xe tăng, húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập tâm sự: “Ở vào các thời khắc đó, mình không lao vào thì chắc chắn người khác sẽ lao vào, cũng có thể mình vào đó là hy sinh, nhưng hy sinh là vì đất nước. Lúc đó hừng hực khí thế nhiều hơn là sợ hãi. Lúc đó, mình nghĩ mình vào được là hoàn thành nhiệm vụ, dù có hy sinh cũng là vì đất nước”.
Bốn cán bộ, chiến sỹ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập 30/4/1975. |
Xe tăng 390 - “bảo vật quốc gia” trước khi được sơn mới. |
Hành trình dọc dài đất nước
Những pháo thủ của xe tăng 390 cho rằng họ là những người hạnh phúc nhất khi được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đó là giờ phút mà không phải người lính nào cũng có may mắn được trải nghiệm. Còn xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 trở thành bảo vật quốc gia.
Trước khi vào bảo tàng, trở thành minh chứng của ngày “lịch sử của thế giới”, xe tăng 390 đã cùng những người lính đi một hành trình dài dọc đất nước theo đường tiến công của quân giải phóng. Xe tăng T59 số hiệu 390 là xe chiến đấu chủ lực hạng trung do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở dây chuyền sản xuất xe T54A của Liên Xô, viện trợ cho Việt Nam năm 1969. Trong hành trình ngang dọc ấy, xe tăng 390 từ Vĩnh Phúc vào đến Thừa Thiên Huế, chiến đấu giải phóng Tà Lương, A Lưới.
Từ ngày 23/3/1975, xe tăng 390 tham gia giải phóng Huế. Ngày 29/3, tham gia giải phóng TP Đà Nẵng và chốt giữ tại bán đảo Sơn Trà, sau đó hành quân về Khánh Sơn theo đội hình Lữ đoàn. Tại đây, xe tăng 390 và các xe trong Đại đội 4 được điều về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 và cùng đơn vị hành quân đến Rừng Lỏ (gần Xuân Lộc) tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 29/4/1975, xe tăng 390 tham gia tiến công căn cứ Nước Trong, rồi trở thành xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975.
Sau thời kỳ chống Mỹ, xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia rồi lên tàu thủy vượt biển ra Bắc, có mặt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1980, xe cùng đơn vị về đóng quân trên địa bàn Lạng Giang (Bắc Giang) và được sử dụng làm xe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tháng 10/1999 được điều về Bảo tàng Tăng - Thiết giáp.
Khi Binh chủng Tăng - Thiết giáp khánh thành bảo tàng của binh chủng năm 1999, những người lính năm xưa có mặt trên chiếc xe tăng 390 được mời đến gặp mặt để xác định hiện vật gốc. Nhân viên bảo tàng làm phép thử kíp xe bằng câu hỏi: “Các bác có khẳng định đây là chiếc xe đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 không?”.
Cả 4 người đều đọc vanh vách đặc điểm nhận dạng xe, như sườn trái tháp pháo vẫn còn 2 vết lõm, sâu chừng 1cm do bị đạn bắn. Trên mặt tháp pháo, ngay sau đường hàn cố định có vết lõm dài hơn gang tay do mảnh bom tạo thành… Từng vết lõm, số hiệu xe chính xác như lời các cựu binh miêu tả. Khi đó, nhân viên bảo tàng mở cửa đưa các nhân chứng đến gặp lại chiếc xe. “Xe được sơn mới nhưng nó gắn bó máu thịt với chúng tôi suốt chặng đường chiến đấu từ năm 1972 thì sao quên được”, ông Ngô Sĩ Nguyên chia sẻ.
Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia. Hội đồng Di sản Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề cử xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia do đáp ứng được các tiêu chí cơ bản: Hiện vật gốc; hiện vật có ảnh hưởng tích cực đến sự kiện trọng đại của đất nước, biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong Đại thắng mùa xuân 1975.
Bên cạnh chiếc xe tăng 390 gốc được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng - Thiết giáp, có một chiếc xe tăng 390 khác là dạng phiên bản mô phỏng, đang được trưng bày trong sân hội trường Thống Nhất (Dinh Thống Nhất).