Bảy năm trước, nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 (Đề án 1665).
Thực hiện Đề án 1665, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV được tổ chức hằng năm từ 2018, được đánh giá đã trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ.
Theo báo cáo, từ 2018 - 2023, có 100% các ĐH, học viện, trường (ĐH, cao đẳng, trung cấp) có kế hoạch triển khai hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. 90% HSSV được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Tỉ lệ SV khởi nghiệp sau 5 năm tốt nghiệp khoảng 8%.
Đề án đã thu hút được hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của HSSV và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án đã được đầu tư thành công. Đến hết 2023, đã có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường ĐH; hơn 120 trường ĐH đã đưa khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thành một môn học bắt buộc hoặc tự chọn; 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các quỹ hỗ trợ SV khởi nghiệp.
Những con số về mặt “lượng” đã rõ ràng như trên. Còn về mặt “chất”, theo một số ý kiến, còn có những điều khó đánh giá. Nhiều DN vẫn cho rằng với một số SV mới ra trường, trình độ kiến thức vẫn còn nặng về sách vở, lý thuyết; thiếu cả kỹ năng làm việc cũng như kỹ năng giao tiếp ứng xử; nên DN phải đào tạo lại. Với người mà những yếu tố này còn chưa được đầy đủ, thì đi làm công ăn lương cũng đã khó; chứ chưa nói đến chuyện khởi nghiệp, tự mình làm chủ một mô hình làm ăn nào đó.
Dự buổi lễ, Thủ tướng đánh giá, chuyện khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp với HSSV triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục ĐH chưa đi vào chiều sâu.
Vì vậy, một điều đáng lưu ý trong phát biểu của Thủ tướng, là yếu tố “gắn việc học đi đôi với hành”. “Hành” ở đây là thực hành, là trải nghiệm cọ xát với thực tế, với các DN. Trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ một số khuyến khích, như khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm hình thành từ các dự án khởi nghiệp; khuyến khích DN phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp; khuyến khích DN xây dựng không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho HSSV gắn với nội dung, chương trình được định hướng cụ thể thông qua việc học, trải nghiệm ngay tại các DN, nhà máy, xí nghiệp. Như vậy, sự “hành” này có thành công hay không, rất cần yếu tố liên kết, chung tay của các DN; không chỉ là khuyến khích giúp đỡ giới trẻ, mà còn là trách nhiệm và các bên cùng có lợi.