Đánh giá khách quan, trung thực, công khai
Theo Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT, trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là trường học mà ở đó người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khách đến làm việc được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần, không bị bạo lực học đường; được bảo vệ, đối xử công bằng, nhân ái và phát huy dân chủ; giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Bộ GD&ĐT đưa ra 3 nguyên tắc trong xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích gồm: Phải là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng; phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh. Đồng thời, công tác kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm thường xuyên, khách quan, trung thực, kịp thời, công khai, minh bạch.
Về nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT quy định như sau: Bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường. Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp khác. Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học: phòng, chống dịch, bệnh học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, rượu, bia và các chất gây nghiện khác.
Thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường; giáo dục sức khỏe tâm thần; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho người học và công tác xã hội trong nhà trường.
Hai mức đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích
Đáng chú ý, Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT nêu rõ tiêu chí đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích. Theo đó, về cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học yêu cầu: Phòng học chắc chắn, thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng; bàn, ghế của người học bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định…; hệ thống điện, các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong phòng học và các thiết bị khác (quạt điện, máy chiếu, tivi, amply, điều hòa...) được lắp đặt ở vị trí phù hợp, an toàn.
Nhà bếp, nhà ăn, căng tin (nếu có): Độc lập với khối phòng chức năng, phòng học và có thiết bị chữa cháy bảo đảm hoạt động tốt. Bảo đảm theo quy trình bếp một chiều, lưu thông không khí. Đủ ánh sáng, thoáng và khô ráo (không bị ẩm thấp, ứ đọng nước), có tủ lưu giữ mẫu thức ăn theo quy định. Có nội quy khu bếp, có bảng công khai tài chính và thực đơn hàng ngày được gắn ở vị trí dễ quan sát…
Thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý người học; không chứa nội dung kích động bạo lực, kì thị giới tính, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục. Thiết bị thực hành, thí nghiệm và dụng cụ, thiết bị tập luyện thể dục, thể thao, trò chơi được bảo đảm an toàn, chắc chắn, loại bỏ nguy cơ gây tai nạn khi sử dụng…
Về an ninh, trật tự trường học, phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ người học trên môi trường mạng: Yêu cầu công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường. Triển khai công tác truyền thông, giáo dục và cập nhật thông tin thường xuyên trên hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường thuộc cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Tổ chức hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng cho người học…
Bên cạnh đó, Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT cũng đưa ra tiêu chí trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học; thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường; giáo dục sức khỏe tâm thần và tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho người học; và công tác quản lý.
Đồng thời, Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT quy định kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo 2 mức như sau: Mức “Đạt”: Có tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá ở mức “Đạt”, trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức “Đạt”. Mức “Chưa đạt”: Không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT.
Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/12/2023.