Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp DAP thuộc Công ty cổ phần DAP2-Vinachem (Công ty DAP2) được xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, đã mang lại công ăn việc làm cho gần 600 người lao động, góp phần ổn định cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân tỉnh Lào Cai và các tỉnh lân cận.
Từ giữa 2020 đến nay sản phẩm DAP của nhà máy tiêu thụ tốt trên thị trường, các định mức tiêu hao trong sản xuất được tiết giảm, doanh thu bán hàng có lợi nhuận, đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt, mức lương trung bình các tháng đầu năm 2021 là 9.000.000 đồng/người, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 7/2021 mặc dù sản xuất phải giảm tải còn 70% công suất do khó khăn về bãi chứa Gyps nhưng Công ty đã có lợi nhuận khoảng hơn 10 tỷ đồng. Với hướng phát triển như hiện nay Công ty DAP2 sẽ có thể thoát khỏi danh sách các đại dự án đang thua lỗ trong thời gian tới.
Nhà máy sản xuất DAP thuộc Công ty cổ phần DAP2 - Vinachem đi vào vận hành từ đầu năm 2015 |
Khó khăn trong công tác đổ thải
Tuy nhiên, hiện nay Công ty cổ phần DAP2 – Vinachem đang gặp phải khó khăn do bãi thải chứa Gyps tạm thời đã gần hết khả năng lưu chứa, Công ty phải chạy máy với công suất thấp để kéo dài được thời gian sản xuất, trong thời gian chờ làm các thủ tục xin được cấp phép mở rộng bãi chứa Gyps lâu dài theo thiết kế của dự án đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)phê duyệt, Công ty có 02 bãi chứa Gyps thải là bãi tạm thời và bãi lâu dài. Bãi thải Gyps tạm thời có diện tích 10,5ha chiều cao đổ thải tối đa 45m có thể lưu chứa khoảng 3,8 triệu tấn bã Gyps, thời gian lưu trữ 05 năm; bãi thải Gyps lâu dài có diện tích 28ha của dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, tổng lượng có thể lưu chứa cho khoảng 20 năm sản xuất.
Hiện nay tổng lượng bã thải Gyps là khoảng 2,3 triệu tấn, chiều cao vẫn nằm trong phạm vi cho phép như được phê duyệt tại ĐTM, nhưng Công ty đã phải liên tục giảm công suất chạy máy, lý do bãi thải Gyps tạm thời bị tác động ảnh hưởng từ thực tế như: có 02 đường điện cao thế (220kV và 110kV) chạy qua nên không thể nâng cao độ bãi đổ thải; lượng nước mưa phát sinh rất nhiều và cục bộ, đặc biệt là trong mùa mưa bão nên để đảm bảo an toàn cho bãi thải, Công ty phải để lại một phần bãi chứa để làm hồ lưu trữ tạm thời đã dẫn đến bãi thải này đã chạm ngưỡng giới hạn, theo tính toán với công suất vận hành như hiện tại, thì bãi chứa chỉ có thể lưu chứa đến hết năm 2021.
Bãi chứa bã Gyms tạm thời bị hạn chế chiều cao đổ thải do có 02 đường điện cao thế chạy qua. |
Mặt khác ngày 12/04/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg chỉ đạo mục tiêu đến năm 2020 các nhà máy phải xử lý chất thải Gyps đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ nhỏ hơn lượng phát thải của 02 năm sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các Bộ, ngành mới ban hành được: Tiêu chuẩn về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp và tiêu chuẩn thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng, chưa có tiêu chuẩn cho thạch cao PG cho hoàn nguyên mỏ, chôn lấp, làm nền đường,...
Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã triển khai tìm kiếm và mời các đối tác có năng lực kinh nghiệm hợp tác xử lý bã Gyps phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên có rất ít các nhà đầu tư quan tâm do hiệu quả đầu tư thấp, các nhà đầu tư mới chỉ ghi nhận chủ trương hợp tác đầu tư, tự giới thiệu công nghệ xử lý, nhưng còn hạn chế về năng lực tài chính, quy mô đầu tư, đặc biệt là chưa có giải pháp tiêu thụ sản phẩm khả thi, nên chưa xác định được thời điểm triển khai đầu tư dự án.
Để khắc phục khó khăn trước mắt, Công ty đang tập trung giải quyết di chuyển 2 đường điện cao thế ra khỏi vùng ảnh hưởng bãi thải Gyps, như vậy Công ty có thể sản xuất “cầm cự” được thêm khoảng 01 năm nữa để tính toán phương án tiếp theo.
Những nguy cơ tiềm ẩn nếu Công ty DAP2 dừng hoạt động
Ông Vũ Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty cho biết: Trong trường hợp nhà máy phải tạm dừng sản xuất do hết diện tích đổ thải bã thải Gyps, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đó là nguy cơ tràn hoặc vỡ đê bao bãi chứa Gyps như sự cố tương tự đã xảy ra trong năm 2018, vì khi Nhà máy dừng sản xuất sẽ không thu hồi được nước róc bãi Gyps về tái sản xuất (với lượng từ 1200 – 1300m3/ngày), đặc biệt là trong mùa mưa bão mức nước hồ chứa sẽ tăng nhanh.
Không bảo toàn vốn của Doanh nghiệp (vốn Nhà nước), cụ thể hiệu quả chênh lệch giữa việc duy trì vận hành sản xuất và dừng sản xuất (lấy theo số liệu Quý I/2021 để tính toán so sánh) là 158,507 tỷ đồng, tương đương bình quân 52,83 tỷ/tháng.
Không duy trì được việc làm và thu nhập cho gần 600 người lao động.
Hệ thống dây chuyền, thiết bị không được vận hành, bảo dưỡng thường xuyên sẽ nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt trong điều kiện môi trường đặc thù hóa chất ăn mòn.
Hệ thống dây chuyền vận hành sẽ bị xuống cấp nhanh chóng nếu không được vận hành sản xuất |
Làm giảm sản lượng DAP sản xuất nội địa, tăng sự phụ thuộc vào DAP nhập khẩu, ảnh hưởng tới sự bình ổn phân bón trong nước, đặc biệt là trong tình hình nguồn cung phân bón thế giới khan hiếm như trong thời gian từ quý I năm 2021 đến nay.
Việc xây dựng được nhà máy tái chế hoàn toàn bã Gyps trong điều kiện có nhà đầu tư cũng phải mất từ 4 đến 5 năm, do vậy trước mắt để có thể giải quyết được cho công tác sản xuất, Công ty đề nghị các sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Lào Cai quan tâm đề nghị Thủ Tướng Chính phủ cho phép gia hạn và mở rộng bãi thải lâu dài đã nằm trong thiết kế của Công ty và đã được giải phóng mặt bằng.
Ông Vũ Đình Thuỷ - Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai cho biết, Sở TN-MT đã phối hợp với Sở GTVT và XD, BQL khu kinh tế, Sở Công thương phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các khó khăn vướng mắc theo đề nghị của Công ty cổ phần DAP2, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty DAP2 gia hạn mở rộng bãi thải số 2, bãi thải này cũng đã được nằm trong thiết kế phê duyệt và đã giải phóng mặt bằng.
Trong khi chờ ý kiến của các cơ quan liên quan đến việc cấp phép đầu tư mở rộng bãi thải lâu dài, Công ty cổ phần DAP2 đang chủ động san gạt, chuyên chở bã thải Gyps đến chỗ còn trống, gia cố những vị trí xung yếu quanh khu vực đổ thải hiện tại, lắp đặt bổ sung thêm bơm rút nước về hồ điều hòa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.