Kế hoạch “dài hơi”
Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Trọng Thái (SN 1994, ngụ tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội “Trộm cắp tài sản” có đông người tham dự. Họ đa phần là người nhà, bạn bè với bị cáo.
Thái ngồi sát phía góc tường. Đôi mắt bị cáo cứ nhìn quanh quẩn xuống phía khán phòng, dường như đang tìm kiếm ai đó. Nhìn Thái, một người họ hàng chia sẻ: “Lần trước phiên tòa đã bị hoãn. Hôm nay, biết tòa xử lại nên tôi lên đây. Không hiểu sao giờ này mẹ nó vẫn chưa tới. Chắc nó đang ngóng trông mẹ đấy. Từ ngày cha nó mất đi, ba mẹ con nương tựa nhau mà sống.
Đến khi anh trai lập gia đình thì nó cũng theo mẹ qua Lào làm ăn. Cứ tưởng qua đó, nó chịu khó nhưng rồi cũng được mấy tháng lại về quê xin đi học nghề. Học nghề cũng chẳng được bao lâu, lại bỏ. Ở quê mỗi khi thấy nó, nó bảo vẫn đi làm thuê ở trên thành phố. Thế mà, không ngờ nó suốt ngày đi ăn trộm…”.
Mẹ bị cáo đến. Thấy mẹ, đôi mắt bị cáo sáng rỡ, đầy hi vọng. Phiên tòa bắt đầu.
Theo nội dung phiên tòa, khoảng giữa năm 2014, Võ Trọng Thái vào TP HCM học nghề trang trí nội thất thang máy được 02 tháng thì nghỉ để ra Huế khám sức khoẻ đi nghĩa vụ quân sự. Do có ý định sẽ ra Huế để thực hiện hành vi trộm cắp xe môtô nên Thái mua một chiếc vam lục giác hình chữ L, bằng kim loại, mục đích phá khoá điện của các xe môtô.
Để chuẩn bị thực hiện hành vi trộm cắp, Thái đã 2 lần vào nhà giữ xe của Bệnh viện Trung ương Huế lấy trộm 6 biển kiểm soát xe môtô và 1 biểm kiểm soát xe môtô tại đường Phan Chu Trinh (TP.Huế), nhằm mục đích thay đổi biển kiểm soát của các xe môtô lấy trộm được để dễ dàng đem đi tiêu thụ, tránh sự phát hiện của chủ phương tiện và cơ quan công an.
Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2014 đến ngày 25/7/2016, Thái đã thực hiện 11 vụ trộm cắp, tài sản chiếm đoạt là 11 xe môtô tại các địa bàn huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để đem bán, cầm cố lấy tiền tiêu xài và sử dụng vào mục đích cá nhân. Tổng giá trị tài sản bị can chiếm đoạt là 209 triệu đồng.
Với vẻ mặt khôi ngô, nước da trắng trẻo, có lẽ không ai nghĩ rằng thanh niên này là một “siêu trộm” xe máy. Đứng trước tòa, giọng bị cáo nhỏ nhẹ. Khi tòa hỏi “Bị cáo đã từng phạm tội lần nào chưa?”, bị cáo: “Dạ chưa, đây là lần đầu”. “Bị cáo đã ăn trộm bao nhiêu chiếc xe máy?”. “Dạ, 11 chiếc”.
Tòa: “Bị cáo hành động một mình hay có ai giúp bị cáo trong những vụ trộm đó không?”. “Không ai giúp đỡ bị cáo hết, chỉ mình bị cáo đi trộm. “Tại sao bị cáo chuyên đi ăn trộm xe máy như vậy, bị cáo có làm nghề gì không?”. Phải mất một lúc, Thái mới trả lời: “Trước khi bị bắt bị cáo có đi làm. Bị cáo đi ăn trộm để có tiền tiêu xài”.
Sau mỗi lần chiếm đoạt được tài sản, Thái lại nói khéo và nhờ người đi cầm cố rồi lấy tiền tiêu xài cá nhân. Trước tòa, bị cáo khai rằng: “Để những người mà bị cáo nhờ tin tưởng, bị cáo đã bịa đặt những chuyện như “xe của dì cho mượn, mà giấy tờ dì cầm đi Sài Gòn, nhưng nay cần tiền có việc nên cầm”, hay “bể bóng đá nên cầm tạm xe”…
Nỗi lòng người mẹ
Ngồi lặng lẽ ở khán phòng xử án, mẹ bị cáo chia sẻ: “Thái là con út trong nhà. Cách đây 7 năm, để có tiền chữa trị bệnh cho cha nó nên gia đình đã chạy vạy khắp nơi. Nhưng rồi bệnh tình chồng tôi chẳng thuyên giảm mà trái lại ngày càng tồi tệ hơn khi căn bệnh ung thư chuyển qua giai đoạn cuối. Chồng tôi qua đời, gánh nặng nợ nần, cơm áo lại đè lên vai. Để có tiền trả nợ và lo cho các con tôi đã lên đường sang Lào giúp việc nhà cho một người quen bên đó”.
Gương mặt bị cáo buồn rầu, thỉnh thoảng lại quay người nhìn về phía người mẹ. Nhìn đứa con trai trước đây vốn ngoan hiền và nghe lời, người mẹ kể tiếp: “Sang Lào không được bao lâu thì tôi cũng đón Thái qua cùng. Ở bên đó, nó đi làm phụ thợ nề với người ta cũng kiếm được tiền. Được một thời gian, nó xin về quê để đi học nghề ở trong Sài Gòn. Nó bảo về đi học nghề, sau ni kiếm công việc để còn lo cho mẹ khi già nữa. Ai ngờ, nó nghỉ học, ra Huế đi làm cái việc vi phạm pháp luật như thế”.
Đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo: “Tại sao bị cáo có nhà mà không ở, bị cáo lại lên thành phố thuê trọ?”. Ấp úng một lúc, bị cáo trả lời: “Bị cáo thuê ở để tiện cho việc đi làm”. “Bị cáo làm lương được bao nhiêu, có đủ tiêu không, sao lại đi ăn trộm liên tục như vậy?”. Bị cáo: “Bị cáo làm bảo vệ cho một quán bar được tầm 4 tháng thì nghỉ, lương cũng được tầm 3 triệu/tháng”.
“Khi nghỉ việc ở quán bar, tại sao bị cáo không xin một công việc tử tế để làm. Đã không có công việc, không có tiền mà bị cáo còn thuê trọ, tụ tập bạn bè ăn chơi. Bị cáo là người có đủ sức khỏe, là thanh niên trai tráng thế mà không chịu khó lao động. Bị cáo chỉ biết lấy tài sản của người khác để đi cầm cố lấy tiền cho bản thân mình tiêu xài. Bị cáo có biết ngoài kia còn biết bao nhiêu người già, người tàn tật nhưng họ vẫn chịu khó làm mọi việc để kiếm sống không”.
Dường như thấm thía những lời của đại diện VKS, bị cáo cúi mặt, giọng nhỏ nhẹ nói “Dạ, bị cáo biết lỗi rồi”.
Tại tòa, những người bị hại chưa lấy lại được tài sản đã yêu cầu bị cáo trả lại tài sản mà bị cáo đã lấy trộm. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo chỉ mong các bị hại tha lỗi cho bị cáo và gửi lời xin lỗi mẹ, anh trai.
Sau phần nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo Võ Trọng Thái 9 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho các bị hại theo sự định giá tài sản của cơ quan chức năng. Cụ thể Thái sẽ hoàn trả lại số tiền 120.704.000. đồng cho các bị hại.
Phiên tòa kết thúc, mẹ bị cáo cầm hai gói bánh chạy vội gửi cho con. Đôi mắt bà đỏ hoe khi chiếc xe khuất dần cánh cổng tòa án. Bà nghẹn ngào:
“Trước đây nó là một đứa rất có hiếu. Từ ngày cha nó mất, lúc nào cũng sợ tôi buồn. Thời gian tới chắc phải nhờ dì nó vào thăm nom, tôi phải đi làm để còn trả nợ cho người ta. Cũng vì cuộc sống tôi phải xa nhà mưu sinh, một mình nó ở nhà theo bạn bè rủ nên mới thành ra như vậy. Giờ chỉ mong vào trong đó, nó cố gắng cải tạo tốt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời”.