Như PLVN thông tin, bản Hợp đồng kinh tế mà Tổng Giám đốc VNR ký với SEN ngày 22/11/2012 đã xác định từ 1/1/2013 - 31/12/2013, VNR chỉ thu của SEN 1.840.000 đồng/tháng/toa xe - tiền phí quảng cáo mà RailTV phát hình trên tàu; tiếp đó, từ 1/1/2014 - 31/12/2015, SEN chỉ phải trả một mức giá là 1.932.000 đồng/tháng/toa xe.
Đáng nói, 7 năm còn lại của hợp đồng nêu trên (1/1/2016 - 31/12/2022), VNR chỉ nhận được từ đối tác SEN một mức giá cố định 2.222.000 đồng/tháng/toa xe. Điều này khiến dư luận cho rằng, Đường sắt đang bị thiệt trong thương vụ này, bởi trong thời gian qua không hiểu do không có biến động giá cả hay hoạt động sản xuất mà 2 doanh nghiệp không hề có sự điều chỉnh về giá thuê mặt bằng trên tàu?
“Các nội dung, điều khoản trước đây Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký với SEN như thế nào giờ cơ bản được giữ nguyên như thế trong hợp đồng với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO). Tinh thần là chúng tôi chỉ kế thừa những nội dung của bản hợp đồng cũ mà thôi”, ông Nguyễn Tiến Hợp - Trưởng phòng Kinh doanh HARACO cho biết.
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh ngày 6/8 cho hay, đã chỉ đạo lãnh đạo 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn và Ban Kiểm soát nội bộ của VNR tiến hành rà soát lại tất cả các nội dung hợp tác giữa hai bên. “Hợp đồng trước kia do anh Nguyễn Đạt Tường - Tổng Giám đốc ký. Anh Tường giờ đã nghỉ hưu”, ông Minh nói thêm.
Trao đổi với PLVN, Giám đốc HARACO Trần Thế Hùng xác nhận: “Chủ tịch HĐTV VNR đã có chỉ đạo công ty kiểm tra việc này. Theo kế hoạch, thì cuối tuần này, Giám đốc SEN và chúng tôi sẽ có cuộc làm việc cụ thể để xem lại những nội dung hợp tác trong hợp đồng ”.
Tổng Giám đốc VNR Nguyễn Đạt Tường năm 2012 đã ký hợp đồng để SEN quảng cáo 10 năm trên tàu |
Về quy định “Bên B (HARACO) được quyền giám sát, kiểm duyệt những thông tin cũng như nội dung được phát trên băng đĩa (của RailTV trên toa xe - PV)” (Điều 3, Hợp đồng số 13/VTĐSHN-SEN), ông Vũ Anh Minh cho rằng: “Trưởng tàu thì làm sao mà kiểm duyệt được? Nội dung, hình ảnh của kênh RailTV, trước tiên SEN phải đảm bảo nó đúng pháp luật và không được trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Trước đó, PLVN đã có bài phản ánh việc VNR đồng ý cho SEN được độc quyền phát hình quảng cáo thương mại và giải trí trên các mác tàu hạng nhất (SE) thuộc sự quản lý của 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng thực tế, ngành Đường sắt đã không quan tâm tới việc kiểm duyệt, định hướng thông tin, hình ảnh... mà kênh RailTV quảng bá trên tàu, dù các hợp đồng 2 bên ký kết có đề cập vấn đề này.
Ngoài ra, theo phản ánh của hành khách, thì một số chương trình phim ảnh, giải trí trong thời gian qua chưa thực sự phù hợp với các độ tuổi của hành khách trên các hành trình tàu khách Bắc - Nam - Bắc.
HARACO - một trong hai đơn vị thuộc VRN có sự hợp tác với SEN ngay sau đó đã tiếp nhận thông tin trên, đồng thời cam kết rà soát lại vấn đề này với đối tác và khẳng định sẽ sớm có phản hồi công luận.