AFP cho biết, theo dự luật này, người đàn ông khi nghi ngờ con không phải là con ruột của mình có quyền gửi khiếu nại lên tòa án.
Tòa án sau đó sẽ buộc người mẹ phải tiết lộ thông tin về những đối tác tình dục của họ trong thời gian thụ thai. Tòa trên cơ sở thông tin này sẽ xác minh cha ruột của em bé cũng như việc người cha trên danh nghĩa của đứa trẻ có thực sự không hề hay biết mình không phải là cha ruột của con hay không.
Theo tờ DW của Đức, khi mối quan hệ huyết thống giữa em bé và cha ruột của em được chứng minh, người đàn ông đang đóng vai trò là người giám hộ hợp pháp của đứa trẻ sẽ có thể khởi kiện ra tòa, đòi cha ruột của em bé phải chi trả tiền cấp dưỡng trong khoảng thời gian là 2 năm.
Mức giới hạn cấp dưỡng 2 năm được đưa ra nhằm đảm bảo không gây xáo trộn quá lớn tới cuộc sống của cha ruột em bé.
Theo Bộ trưởng Bộ tư pháp Đức Heiko Maas, dự thảo luật này sẽ là cơ sở để những ông bố “tò vò” đòi hỗ trợ tài chính từ cha ruột của đứa trẻ.
Cũng theo dự luật, người mẹ sẽ chỉ được quyền giấu danh tính của người cha ruột nếu có những lý do đặc biệt nghiêm trọng khiến họ không thể tiết lộ thông tin và việc giữ thông tin này sẽ do tòa án quyết định.
Dự thảo luật nói trên do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch hóa gia đình Manuela Schwesig soạn thảo nhằm lấp đầy những lỗ hổng pháp lý đã được phát hiện qua những vụ tranh cãi về yêu cầu bồi thường giữa những ông bố thật và những ông bố chẳng may lâm vào tình trạng buộc phải “đổ vỏ” xảy ra thời gian qua.
Theo một số thống kê, 4 đến 10% trẻ em ở Đức là những em bé có bố không phải là người cha đứng ra khai sinh cho chúng.
Ở Đức, người ta dùng khái niệm “những em bé cúc cu” để chỉ hiện tượng trẻ em có cha không phải là cha ruột, lấy từ hiện tượng chim cúc cu hay đi đẻ trứng trong tổ của chim khác.
Theo hãng tin Sputnik, Tòa án hiến pháp Đức tháng 2/2015 ra phán quyết cho rằng cần phải có những bảo vệ về mặt pháp lý đối với những người đàn ông bị lừa rằng họ đã có con.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ hình phạt đối với những phụ nữ từ chối tiết lộ danh tính cha ruột của một em bé ra sao.