Nhiều chuyện lạ trên thế giới trrong tháng 11/2024

Nhiều chuyện lạ trên thế giới trrong tháng 11/2024
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 11/2024 chứng kiến ​​hàng loạt sự kiện kỳ ​​lạ trên khắp thế giới, từ việc làm đại gia chi tiền tỷ lệ ăn quả chuối trong tác phẩm nghệ thuật, người phụ nữ cao nhất gặp gỡ người phụ nữ thấp nhất, đến câu chuyện " hồi sinh" khó tin trên giàn thiêu và gia đình 9 con vẫn muốn sinh thêm để đủ 12 con giáp.

Chi gần 160 tỷ đồng mua tác phẩm ‘quả chuối dán tường’ để… ăn

Ngày 29.11, doanh nhân tiền điện tử Justin Sun đã ăn quả chuối trong tác phẩm nghệ thuật trị giá 6,2 triệu USD (hơn 157 tỷ đồng) đã mua đấu giá thành công.

Tại một trong những khách sạn đắt tiền nhất ở Hồng Kông, doanh nhân 34 tuổi này đã ăn quả chuối trước hàng chục nhà báo và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, sau khi có bài phát biểu ca ngợi tác phẩm mang tính biểu tượng, đồng thời so sánh sự tương đồng giữa nghệ thuật ý niệm và tiền điện tử.

"Nó ngon hơn những quả chuối khác nhiều. Nó thực sự rất ngon", anh phát biểu sau khi ăn miếng đầu tiên.

Tác phẩm độc đáo của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan trước đó được anh Sun mua trong buổi đấu giá của Công ty đấu giá Sotheby's, với giá hơn 5 triệu USD kèm khoản hoa hồng khoảng 1,2 triệu USD. Công ty đấu giá ban đầu ước tính tác phẩm này được bán tối đa là 1,5 triệu USD.

Buổi đấu giá có 7 người ra giá mua và người thắng nhận về một quả chuối, cuộn băng keo, giấy chứng nhận và hướng dẫn dựng lại tác phẩm.

Anh Sun cho biết mình cảm thấy "không tin nổi" trong 10 giây đầu tiên sau khi thắng, trước khi nhận ra "điều này có thể trở thành một điều gì đó to tát". Trong 10 giây sau đó, anh quyết định sẽ ăn quả chuối.

"Ăn nó tại một cuộc họp báo cũng có thể trở thành một phần lịch sử của tác phẩm nghệ thuật", anh chia sẻ.

Những người tham dự cuộc họp báo hôm 29/11 được nhận một cuộn băng keo và một quả chuối lưu niệm. "Mỗi người đều có một quả chuối để ăn", anh Sun nói.

Thi thể bất ngờ sống lại trên giàn thiêu

Một hội đồng được thành lập để điều tra hành vi của các bác sĩ liên quan tại một bệnh viện ở Ấn Độ, sau khi một bệnh nhân được kết luận đã qua đời bất ngờ tỉnh lại trên giàn thiêu trước thời điểm đốt lửa.

Bệnh nhân Rohitash Kumar (25 tuổi) là người gặp khó khăn về nói và nghe. Thanh niên này đã ngã bệnh và được đưa đến bệnh viện ở huyện Jhunjhunu thuộc bang Rajasthan hôm 21/11.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, bệnh nhân đã lên cơn động kinh và một bác sĩ tuyên bố anh đã tử vong khi đến bệnh viện. Thay vì khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân đến nhà xác và sau đó dự kiến hỏa táng theo nghi lễ của đạo Hindu.

Bác sĩ D. Singh tại Bệnh viện Rajkiya Bhagwan Das Khetan cho hay, một bác sĩ đã chuẩn bị báo cáo khám nghiệm tử thi dù trên thực tế không tiến hành khám nghiệm. Thi thể do đó được chuyển đi để hỏa táng.

Theo vị bác sĩ trên, ngay trước khi giàn thiêu được phóng hỏa, thi thể của anh Rohitash bắt đầu cử động và người này được phát hiện vẫn còn sống và thở.

Bệnh nhân Kumar lập tức được đưa đến bệnh viện trên lần thứ 2 và được chuyển đến một bệnh viện ở Jaipur, nhưng được xác nhận đã tử vong hôm 22/11 trong khi được điều trị.

Sĩ quan cảnh sát Sharad Chouodhary tại huyện Jhunjhunu cho hay khi nhập viện lần đầu, bệnh nhân không có người thân đi cùng.

"Các bác sĩ lẽ ra phải khám nghiệm tử thi cho thanh niên đó, nhưng họ không làm gì cả. Các bác sĩ chỉ điền vào giấy tờ và đưa thanh niên đó đi thiêu", sĩ quan trên cho biết.

Quan chức Ramavtar Meena tại huyện Jhunjhunu cho hay, một hội đồng đã được thành lập để xem xét vụ việc liên quan 3 bác sĩ liên quan gồm các bác sĩ Yogesh Jhkhar, Navneet Meel và Sandeep Prachar hiện đã bị đình chỉ.

Cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Tiệc trà giữa hai phụ nữ cao nhất và thấp nhất thế giới

Bà Rumeysa Gelgi (27 tuổi, cao 2,15 m) và bà Jyoti Amge (31 tuổi, cao gần 63 cm) đã cùng dự buổi trà chiều tại khách sạn Savoy ở London (Anh) để mừng ngày kỷ niệm Kỷ lục Guinness Thế giới.

Dù chiều cao chênh lệch hơn 1,5 m, hai người được cho là rất hợp nhau.

“Chúng tôi có điểm chung. Cả hai đều thích trang điểm, chăm sóc bản thân, đồ trang sức và làm móng, Đôi khi chúng tôi gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt vì chiều cao chênh lệch nhưng đây vẫn là trải nghiệm rất tuyệt”, bà Gelgi nói.

Trong khi đó, bà Amge cho biết bản thân rất hạnh phúc vì gặp được người cũng nắm kỷ lục Guinness dù có phần “đối lập”.

Hai người phụ nữ xem sách Kỷ lục Guinness Thế giới 2025 (Ảnh: GWR)

Hai người phụ nữ xem sách Kỷ lục Guinness Thế giới 2025 (Ảnh: GWR)

Bà Gelgi, một lập trình viên website tại Thổ Nhĩ Kỳ, được xác nhận là phụ nữ cao nhất thế giới vào năm 2021. Theo Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (GWR), chiều cao của bà bắt nguồn từ tình trạng hiếm được gọi là hội chứng Weaver, với 27 người trên thế giới được phát hiện gặp phải.

Bà Gelgi cũng giữ kỷ lục là phụ nữ có đôi bàn tay lớn nhất (chiều dài gần 25 cm), có phần lưng dài nhất (gần 60 cm) và đôi tai dài nhất (9,5 cm).

Trong khi đó, bà Amge là diễn viên đến từ Ấn Độ. Bà mắc chứng rối loạn tăng trưởng xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của tay chân. Tình trạng này xảy ra trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi và ảnh hưởng đến mô sụn - mô sẽ phát triển thành tay và chân của trẻ.

Hình ảnh của bà Amge nổi tiếng trên mạng xã hội, đồng thời bà cũng đã xuất hiện trong loạt phim truyền hình Mỹ và chương trình truyền hình tại Ý.

Hai bà Gelgi và Amge cũng có tên trong GWR ICONS, một danh mục mới được thêm vào sách Kỷ lục Guinness Thế giới 2025, được tổ chức GWR giới thiệu sẽ bao gồm những người nắm giữ kỷ lục "đã làm nên lịch sử".

Người mẹ 9 con vẫn muốn sinh đủ 12 con giáp để 'không phí gien tốt'

Bà Thiên Đông Hạ (33 tuổi, từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) cùng chồng là ông Triệu Vạn Long đã có 9 con, nhưng họ mong muốn sinh thêm để bầy con có đủ 12 con giáp.

Gia đình hiện có 5 con trai, 4 con gái nhưng chưa có con sinh vào năm tuổi Sửu, Mão, Tỵ, Ngọ và Mùi.

Bà Thiên cho biết mong ước có đủ 12 con giáp đến từ việc bà không muốn lãng phí gien tốt của chồng.

Ông Triệu là nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của một công ty năng lượng, trong khi bà Thiên cũng là giám đốc điều hành công ty trên.

Gia đình có thu nhập hằng năm khoảng 55 triệu USD, đang sống trong biệt thự rộng 2.000 m2 và thuê bảo mẫu chăm lo cho những đứa con.

Hai vợ chồng kết hôn và chào đón đứa con đầu lòng cùng vào năm Dần (2010). Sau đó họ sinh thêm 8 con, với một trường hợp sinh đôi bé trai. Bé út là con trai, chào đời vào tháng 11.2022. Hiện gia đình mong muốn đón bé thứ 10 vào năm sau (năm Tỵ).

"Do tình trạng sức khỏe của tôi, tôi không thể sinh con vào năm Thìn, vì vậy tôi đang hy vọng sẽ sinh con tuổi Tỵ", bà Thiên nói.

Bà Thiên và ông Triệu tin rằng việc có nhiều con là một phước lành. Người vợ còn mong muốn những đứa con của mình sinh 9 người con khác, nói thêm gia đình đang tính đến việc cải tạo ngôi nhà làm nơi ở cho 81 đứa cháu tương lai.

Đọc thêm

Tấn công khủng bố kinh hoàng đầu năm mới tại Mỹ

Hiện trường vụ đâm xe. (Ảnh: NBC News)
(PLVN) - Một vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại Bourbon Street, khu phố Pháp nổi tiếng của New Orleans vào ngày đầu năm mới. Một người đàn ông đã lái xe tải lao thẳng vào đám đông, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Vụ việc đang được điều tra như một hành động khủng bố, gây chấn động cả nước Mỹ.

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm
(PLVN) - Những ngày cuối cùng của năm 2024 chứng kiến loạt tai nạn chấn động trên thế giới, từ vụ va chạm tàu hỏa tại Mỹ, tai nạn máy bay ở Hàn Quốc, đến các sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn ở Bangladesh, cá mập tấn công người ở Australia và vụ nổ nhà máy thuốc nổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi sự kiện đều gây mất mát lớn về người và tài sản, nhắc nhở chúng ta chú ý, tăng cường hơn các giải pháp bảo đảm an toàn...

Hành trình vaccine từ phòng thí nghiệm đến mũi tiêm

Ấn Độ đã trở thành trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. (Ảnh: Viện Huyết thanh Ấn Độ - npr.org)
(PLVN) - Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến đại dịch COVID-19, sự ra đời của vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học, mang lại hy vọng và sự sống cho hàng triệu người trên thế giới. Dù vậy, ít ai hiểu rõ câu chuyện đằng sau mỗi liều vaccine là những năm tháng nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất miệt mài. Đó là một quá trình dài hơi, đòi hỏi không chỉ sự chính xác khoa học mà còn cả những cam kết về an toàn, đạo đức và hợp tác quốc tế.