Văn hoá - nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển
Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan, chủ động làm việc, rà soát lại toàn bộ chương trình hợp tác với các bên liên quan, ưu tiên những việc trọng tâm, trọng điểm.
Các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được đôn đốc thực hiện thường xuyên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh nâng cao chất lượng, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.
Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt được những kết quả quan trọng nhằm tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Bức tranh tổng thể của văn học nghệ thuật đã mang lại những sắc thái mới.
Trong bối cảnh cả nước thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ VH-TT&DL đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều công việc gắn sát với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực xây dựng và phát huy giá trị sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác VH-TT&DL cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh; mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao; ngành văn hóa chưa thể hiện rõ vai trò, tiếng nói của mình trong công tác tham mưu các giải pháp đối với quá trình sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đáng chú ý, một số chủ trương, quan điểm của Đảng nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chậm được thể chế. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội…
Ghi nhận những kết quả đã đạt được của những người làm công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong cả nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển. Những thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành VH-TT&DL cả nước nói chung và của Bộ nói riêng.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình
Cơ bản nhất trí với những phương hướng, nhiệm vụ mà Bộ đã đề ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ VH-TT&DL thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn, có hiệu quả và tạo ra điểm nhấn với các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.
Thứ nhất, Bộ cần phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa con người, gia đình Việt Nam. Đây là điểm mấu chốt, phải nghiên cứu ngay, làm ngay, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Thứ hai, ngành văn hóa cần tiếp tục bám sát yêu cầu, chức năng nhiệm vụ chính trị của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chương trình hành động, quan điểm mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa. Việc này nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó là việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình mới, từng bước nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền liên quan nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thứ ba, phải có giải pháp và xử lý hài hòa giữa phát triển văn hóa chuyên nghiệp với văn hóa quần chúng ở cơ sở. Ngành văn hóa cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; quan tâm đầu tư có trọng điểm tạo đột phá về cơ sở vật chất với thiết chế về thể thao; đầu tư công trình văn hóa trọng điểm quốc gia tầm nhìn 2030 - 2045 và có tầm nhìn khu vực, thế giới tương xứng với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Thứ tư, ngành cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa dân tộc, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, đảm bảo vai trò của cộng đồng đối với các di sản…
Thứ năm, toàn ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cho văn học nghệ thuật, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, mong muốn cho ra đời những tác phẩm lớn ngang tầm khu vực và thế giới; quan tâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn nghệ sỹ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với các đơn vị để rà soát chế độ chính sách, kêu gọi nguồn lực phát triển con người thời kỳ mới, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp tình hình phát triển của đất nước. Đồng thời, các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài đầu tư nguồn vốn, trí tuệ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục dạy tiếng Việt, truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài.