Hội thảo là diễn đàn để các nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương; giới nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thảo luận các biện pháp triển khai cụ thể, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, đối ngoại Việt Nam với sự kết hợp chặt chẽ ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, đã có nhiều đóng góp hiệu quả, thực chất vào quá trình Đổi mới trong 35 năm qua.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bước vào giai đoạn mới với thế và lực mới, dưới ánh sáng của đường lối Đại hội XIII, ngành đối ngoại sẽ tiếp tục phát huy “vai trò tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, để đưa những nội dung cốt lõi, các chủ trương lớn của Đại hội XIII đi vào cuộc sống, những trao đổi chuyên sâu tại Hội thảo góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ lớn, từ đó thống nhất nhận thức, tiến tới xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai chính sách đối ngoại trong từng lĩnh vực và với các đối tác.
Tại Hội thảo, đánh giá về những cơ hội, thách thức đang đặt ra đối với môi trường đối ngoại của nước ta trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã và đang có những điều kiện thuận lợi căn bản trên cơ sở thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là nền tảng quan trọng để đối ngoại tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các xu thế lớn như hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là dòng chảy chính của thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và các dòng đầu tư đem đến cơ hội hiếm có để nước ta vừa có thể rút ngắn khoảng cách, vừa đồng hành với các đối tác trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều biến động, bất trắc của tình hình thế giới, khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, các thách thức về COVID-19, cùng với các xu hướng mới của thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về nâng cao trình độ nguồn nhân lực, khả năng chống chịu và thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở phân tích thế và lực mới của đất nước, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị chính sách nhằm hiện thực hóa nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, tiên phong không có nghĩa là đi một mình, mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta, cần có tính biện chứng, cần lấy thực lực làm cơ sở, cần mạnh mẽ, táo bạo nhưng hết sức linh hoạt.
Các ý kiến trong Hội thảo cũng nhấn mạnh việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới, việc phát hiện và nắm bắt cơ hội, trong nhiều trường hợp cần đóng vai trò tạo dựng cơ hội cho các đối tác và cộng đồng quốc tế.
Mặt khác, vai trò tiên phong của đối ngoại cần được thể hiện có trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng thế mạnh, gắn liền với định hướng phát triển của đất nước, bám sát nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao vị thế của nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu và trên trường quốc tế.
Để có sự phối hợp hiệu quả giữa ba trụ cột của đối ngoại nước ta, cần củng cố các khuôn khổ pháp lý, thực hiện phân cấp, điều phối rõ ràng, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên nghiệp, hiện đại và có năng lực thích ứng.
Về tổng thể, những giải pháp đổi mới, sáng tạo, tinh thần đồng hành với các bộ, ban, ngành, địa phương, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ cần là tư duy xuyên suốt trong triển khai chính sách đối ngoại.