Dự thảo Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (gọi tắc là Dự thảo) hiện nay đang được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi. Đây là văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy định trước đây.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo vẫn chưa bảo hộ được quyền tác giả và quyền liên quan ở khâu thủ tục cấp phép biểu diễn, thậm chí sẽ tạo ra nhiều phát sinh tranh chấp, mất ổn định trong hoạt đồng văn hoá, nghệ thuật. Để rộng đường dư luận, PLVN trích đăng bài viết về một luồng quan điểm xung quanh vấn đề này.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu |
Tại Chương V của Dự thảo quy định về trách nhiệm và thẩm quyền đối với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ VH-TT-DL, UBND cấp tỉnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VH-TT-DL tuỳ theo phạm vi của mình được quyền cấp phép cho các tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng cơ quan trên là “tướng tiên phong” trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
Tuy nhiên, theo Dự thảo tại Điều 7 quy định thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Điều 20 quy định thủ tục cấp giấy phép phát hành; quyết định phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã đưa ra bộ thủ tục hồ sơ xin cấp phép tổ chức biểu diễn, trong đó, liên quan đển quyền sở hữu tác phẩm thì hồ sơ chỉ yêu cầu “kèm theo cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan”.
Theo phân tích của ông Đỗ Quốc Chiến – chuyên gia đầu ngành về Luật Sở hữu trí tuệ thì ““cam kết” trong trường hợp này là một “lời hứa đơn phương” về trách nhiệm “trong tương lai” mà nội dung và hình thức không được quy định rõ ràng. Theo quy định của Dự thảo thì chủ sở hữu quyền tác giả không có bất kỳ một khả năng hoặc cơ hội nào để kiểm soát, thậm chí để tham gia kiểm soát việc người khác sử dụng quyền tác giả mà mình là chủ sở hữu”.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cũng bức xúc: “Cam kết là cái sai sót rất là lớn giữa hai bên, cam kết mà chung chung như thế ai chịu trách nhiệm? Ông khẳng định: cam kết là một tờ giấy vô giá trị”. Ông cho biết thêm, những tác phẩm của tôi, tôi đã đăng ký với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì giữa bên tổ chức biểu diễn phải ký hợp đồng với nhau thế nào đó, tôi thấy cần thiết phải rõ ràng, cụ thể, ai diễn và diễn cái gì phải rõ ràng trong hợp đồng. Không thể có chuyện cam kết chung chung rồi muốn làm gì thì làm.
Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung cũng có ý kiến: “Chỉ kèm theo cam kết thì không đủ sức mạnh pháp lý để ràng buộc các đơn vị tổ chức thực hiện đúng quyền tác giả và quyền liên quan. Thực tế đã chứng minh rất nhiều đơn vị họ chỉ cam kết mà không thực hiện. Tôi nghĩ, nên thay giấy cam kết bằng giấy tờ chứng minh được quyền sử dụng tác phẩm thì mới nên cấp phép như vậy sẽ hợp lý hơn và đúng với tinh thần nhà nước bảo hộ quyền tác giả. Nếu những đơn vị tổ chức biểu diễn không thực hiện quyền tác giả mà cấp phép thì có nghĩa là gián tiếp không bảo vệ quyền tác giả và dung túng cho việc đó thì không nên”.
Về phần mình, Nhạc sỹ Trần Minh Phi cho biết, bản thân tôi trước đây theo cách làm ăn của những người khai thác tác phẩm thì tôi cũng tin tưởng sự cam kết của họ, cũng có nhiều người cam kết chắc chắn là khi sử dụng tác phẩm của tôi thì sẽ trả tiền, nhưng có tác phẩm ra đời và họ sử dụng rồi thì không có ai tự nguyện trả tiền cho tôi, để tôi phải tự động đi gõ cửa từ nơi, từng chỗ để hỏi tiền tác quyền, giống như đi xin vậy. Nhạc sỹ Trần Minh Phi bức xúc “khi có những điều kiện mà để gọi là đưa ra pháp luật mà chỉ cần “cam kết” thì tôi phản đối!”
Nhạc sỹ Trần Minh Phi |
Cũng có nhiều ý kiến tranh luận về phạm vi của giấy phép tổ chức biểu diễn. Nếu giấy phép chỉ giới hạn ở mức độ kiểm duyệt (ai tổ chức, nội dung chương trình, ca khúc, tác giả nào được cho phép công diễn, thời gian, địa điểm phù hợp với quy định pháp luật) thì giấy phép này vẫn chưa đủ căn cứ pháp luật để đơn vị tổ chức biểu diễn công diễn chương trình.
Vì khi công diễn chắc chắn phát sinh mới quan hệ dân sự giữa người sử dụng tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm. Nếu đơn vị tổ chức chưa có văn bản đồng ý cho sử dụng tác phẩm của tác giả thì việc tổ chức chương trình đó là đồng nghĩa với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Hành vi vi phạm này đã được Chính phủ quy định xử phạt cụ thể tại các Điều 18, Điều 22, Điều 23 và Điều 36 tại Nghị định số 47/2009/NĐ-CP. Như vậy, ở phạm vi này, giấy phép chưa phải là “giấy thông hành” cho đơn vị tổ chức biểu diễn và sẽ đem đến nhiều rủi ro khi công diễn như: bị cơ quan quản lý xử phạt và bị kiện bởi chủ sở hữu.
Nếu phạm vi của giấy phép không dừng ở “kiểm duyệt” mà bao gồm cả việc cho phép đơn vị tổ chức biểu diễn thực hiện việc sử dụng các tác phẩm để công diễn, như thế thì giấy phép này vượt qua quyền hạn của mình (vì cơ quan cấp phép không phải là chủ sở hữu tác phẩm). Việc cơ quan cấp phép yêu cầu đơn vị tổ chức nộp tờ cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan để “lấp” khoảng trống này là chưa phù hợp.
Hình thức “cam kết” chỉ phù hợp với những tổ chức phát sóng khi sử dụng tác phẩm thì không phải xin phép nhưng phải trả trả tiền nhuận bút, thù lao mà Luật Sở hữu trí tuê quy định tại Điều 26. Ngoài tổ chức phát sóng, thì những đơn vị tổ chức biểu diễn khác khi sử dụng tác phẩm phải có được văn bản đồng ý của chủ sỡ hữu, nếu không có, sẽ được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả được Luật Sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 28.
Thiết nghĩ, việc thay cho tờ “cam kết”thì cơ quan cấp phép cần phải buộc đơn vị tổ chức cung cấp văn bản chứng minh được quyền sử dụng tác phẩm để công diễn là phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định liên quan. Có như thế, cơ quan quản lý nhà nước mới bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn được những hành vi xâm phạm quyền tác giả, tránh những phát sinh tranh chấp không đáng có.
Trung Duy