Sáng qua, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) - dự án luật được QH và cử tri rất quan tâm. Nhiều ý kiến tán thành cần thiết ban hành LTĐ. Không ít ĐB góp ý các quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tính khả thi của dự thảo Luật, tránh các đặc thù trở thành “đặc quyền” dành cho Hà Nội.
Cần ban hành Luật Thủ đô
Tán thành với sự ban hành dự thảo, nhiều ĐB cho rằng, Hà Nội cần có một đạo luật với những cơ chế chính sách đặc thù nhằm có cơ sở tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội ngang tầm trong khu vực và quốc tế, cần một số cơ chế chính sách đặc thù mạnh mẽ quyết liệt hơn để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển thủ đô sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước, làm gương cho các tỉnh, TP khác trong cả nước.
Bảo lưu quan điểm đặc thù của Hà Nội chính là “vai trò, vị thế Thủ đô”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, việc ban hành Luật Thủ đô là cần thiết và đề nghị rà soát để xác định những vấn đề mà Thủ đô đang vướng, từ đó có giải pháp tháo gỡ vì “nếu chỉ quy định trong Chương II của dự thảo luật tôi nghĩ rằng chưa đủ”. Nhất trí tán thành cần phải ban hành quy định, những quy chế, những cơ chế chính sách để phát triển Thủ đô xứng tầm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) quan tâm đến việc làm sao đó thực hiện cho được phương châm "cả nước vì Thủ đô và Thủ đô vì cả nước".
Cho rằng có thể cách xây dựng, cách thiết kế, cách thể hiện ở trong dự thảo LTĐ làm cho người ta có một cảm giác như tạo ra cho Hà Nội có nhiều ưu đãi, nhiều đặc quyền quá so với các tỉnh khác, ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) khẳng định, “các quy định trong này vận dụng Hiến pháp thôi chứ không trái Hiến pháp”. Do đó, ĐB Thảo nhận thấy, “nếu thống nhất quan điểm mỗi một nước chỉ có duy nhất một Thủ đô thì những cơ chế, những đặc thù gì để gắn với Thủ đô thì ta nên tạo điều kiện”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Với trách nhiệm là thủ đô thì QH cũng đồng tình là phải có những cái gì đó quy định riêng là bộ mặt của cả nước. Vì thế những cái quy định riêng mà QH sẽ quyết định ở trong dự án luật này thì chúng tôi cho rằng đó là những quy định bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành. Còn đương nhiên nó không trái với Hiến pháp để chúng ta xây dựng thủ đô như mục tiêu đã đề ra”. |
Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) rằng “liệu đây có phải là một đạo luật duy nhất cho một TP hay không? Dù đó là luật cho thủ đô hay sau này có những lý lẽ thuyết phục để đưa ra những luật cho thành phố A hoặc tỉnh B nào đó thì tôi thấy không nên”, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng, “nếu LTĐ được ban hành và trong quá trình thực hiện thì đó cũng là những tấm gương, những bài học tốt để TP.HCM và các đô thị lớn khác có thể được áp dụng và sau này chúng ta có thể phát triển chung thành một luật về các đô thị”.
Cũng trong dòng quan điểm này, có ĐB đưa ra phương án “xây dựng Luật Đô thị trước để xác đinh mô hình các đô thị, trong đó có Thủ đô rồi xây dựng LTĐ” cho sự phát triển vững chắc, đảm bảo sự lâu bền cho LTĐ. Nghĩ rằng “vấn đề lớn nhất, đặc quyền duy nhất của thủ đô mà nơi khác không nêu được đó là đặc quyền về địa vị chính trị, địa vị pháp lý. Còn về phương diện phát triển đô thị thì đặc thù do vào điều kiện phát triển tạo ra” nên tán đồng ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), ĐB Lịch cho rằng, để có một thủ đô tương xứng chúng ta đặt trong tổng thể chắc chắn phải sửa các quy định của Hiến pháp. Nếu cần thiết có một luật về thủ đô trên nền tảng Luật đô thị tạo đặc thù thì phù hợp.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, Hà Nội không thể giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc bằng những qui định hiện hành, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ sự thông cảm với Hà Nội “Nếu trong điều kiện hiện nay chúng ta bác dự thảo luật này, nếu chỉ trong khuôn khổ pháp lệnh thì cũng khó làm cho Hà Nội”.
Đặc thù không phải đặc quyền
Các vấn đề đặc thù mà dự thảo Luật “chốt” cho Thủ đô (về quản lý dân cư, thẩm quyền của HĐND TP.Hà Nội trong việc ban hành VBQPPL, quy định thu phí đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành, mức thu phí trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải trong nội thành và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính cao hơn mức áp dụng chung trong cả nước, biểu tượng Thủ đô, về công dân danh dự Thủ đô, trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước, cũng như trách nhiệm của cả nước đối với Thủ đô, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của HĐND và UBND các tỉnh, TP cũng như trách nhiệm của HĐND và UBND TP Hà Nội đối với cả nước) đã được các ĐBQH đưa ra phân tích dưới nhiều góc độ.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, khi bàn về cơ chế chính sách đặc thù, không nên chỉ nhấn mạnh rằng những cơ chế chính sách đặc thù tạo quyền tự chủ hơn hoặc đặc quyền hơn cho Thủ đô Hà Nội để phát triển mà phải thấy rằng “những đặc biệt của Hà Nội là phải chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ hơn từ phía TƯ so với các địa phương khác”. Cho nên, tán thành những qui định như thế là rõ ràng hơn cho Hà Nội, ĐB Phúc đề nghị phải nhấn mạnh là những cơ chế đặc biệt đấy là TƯ phải trực tiếp quản lý, giao kết chặt chẽ hơn so với các địa phương khác.
Phân tích về tính hợp hiến, hợp pháp của việc trao cho HĐND TP.Hà Nội thẩm quyền ban hành VBQPPL về những vấn đề mới phát sinh và danh hiệu công dân danh dự thủ đô, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nhấn mạnh, việc dự thảo luật trao cho Hà Nội một số cơ chế chính sách đặc thù trong phân cấp thẩm quyền của QH và phù hợp với quy định hiện hành về phân cấp thẩm quyền.
Cùng trăn trở về những đặc thù của dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại quan tâm ở khía cạnh khác khi thấy “tất cả mọi việc chúng ta có làm được hay không là vai trò của đội ngũ chính quyền lãnh đạo và chính quyền các cấp”. Từ đó ĐB đề nghị dự thảo LTĐ cần nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm, vị thế của những đội ngũ cán bộ và trách nhiệm khi vi phạm.
Về quy định việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông nội thành, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) băn khoăn “Tại sao chỉ đặt ra ở 6 lĩnh vực mà không đặt ra ở tất cả các lĩnh vực, ví dụ như gây mất trật tự xã hội, chống người thi hành công vụ, các loại tiêu cực như đưa, nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng hoặc các loại phạm hình sự khác có bị xử lý cao hơn nơi khác cùng một tội danh hay không? Và Nếu địa phương khác cũng xin được áp dụng như thế có được hay không?”.
Còn ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nghĩ “Hà Nội nên dùng biện pháp xã hội, biện pháp hành chính để chấn chỉnh Hà Nội là Hà Nội không phải có những ưu tiên, vì nhiều ưu tiên quá người ta càng về thật đông”.
H.Giang - T. Hằng