Cuối tuần qua, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến vào việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi các đại biểu QH thảo luận góp ý tại phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 4.
Làm rõ cơ chế tự chủ và tài chính của cơ sở khám chữa bệnh
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Những vấn đề đại biểu QH nêu đã được hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra rà soát kỹ lưỡng, cơ bản thống nhất trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, tập trung vào các nội dung về: Hội đồng Y khoa Quốc gia; phân cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh; vấn đề tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, giá khám bệnh, chữa bệnh và việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Trên cơ sở đó, các thành viên UBTVQH và đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều bày tỏ thống nhất với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Xã hội về các quy định liên quan tới Hội đồng Y khoa Quốc gia và phân cấp chuyên môn khám, chữa bệnh.
Về các nội dung khác, đặc biệt là các quy định về cơ chế tự chủ và tài chính của cơ sở khám chữa bệnh, các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều nhất trí dự thảo
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nên luật hóa những vấn đề mang tính nguyên tắc tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ việc sửa đổi các nội dung liên quan tới tự chủ và công tác tài chính trong cơ sở khám chữa bệnh tại 8 Luật (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Giá, Luật Đầu tư công…) cũng như tiến hành xây dựng một luật về các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng đối với hoạt động tự chủ và tài chính tại cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân…
Các thành viên UBTVQH và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thống nhất tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và giải trình, tiếp thu tất cả các ý kiến phát biểu của đại biểu QH, bảo đảm chặt chẽ, khoa học; tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia kinh tế, các nhà chuyên môn về lĩnh vực y tế để hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là đối với các nội dung về tự chủ và quản lý tài chính tại cơ sở khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định của Luật.
Khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành kết luận thanh tra
Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), gồm: việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thành lập thanh tra Cục ở địa phương thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc; kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra…
Qua thảo luận, UBTVQH tán thành chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để hạn chế phát sinh đầu mối tổ chức mới. Trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý, Chính phủ xem xét, giao các cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 9, Điều 36a, Điều 36b của dự thảo Luật.
Để khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành kết luận thanh tra, dự thảo Luật đã quy định cụ thể quy trình các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra trong việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.
UBTVQH cũng yêu cầu, sau phiên họp này, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình QH xem xét, thông qua.