“Tinh thần như chiến dịch, không kể ngày, đêm”
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ TN&MT, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp về tiến độ lấy ý kiến. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tính đến ngày 6/3, đã tiếp nhận 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, công tác lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án Luật rất quan trọng này; đồng thời đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH, các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch QH cho hay, từ nay cho đến khi kết thúc việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất ngắn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức nỗ lực, khẩn trương hơn nữa. “Tinh thần như chiến dịch, không kể ngày, đêm, cũng không cần phải phân biệt ban, ngành nào mà là công việc chung, sự nghiệp chung. Chúng ta cố gắng phối hợp để thực hiện… Do tính chất quan trọng như vậy, trong buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, QH cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần huy rộng rãi các bộ, các ngành, các cấp tham gia vào quá trình này”, Chủ tịch QH nhấn mạnh và quan niệm: Chúng ta xử lý càng sớm được vấn đề thì khả năng thông qua dự thảo Luật là rất tốt và Luật ban hành sẽ đảm bảo được yêu cầu về mặt chất lượng nên tiến độ cũng rất quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn.
Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, việc lấy ý kiến nhân dân phải trên tinh thần trung thực, khách quan, vô tư và gạn đục, khơi trong, tôn trọng mọi ý kiến. Chủ tịch QH khẳng định: “Lấy ý kiến rất quan trọng rồi, nhưng không phải là lấy ý kiến cho có”.
Chủ tịch QH nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc rằng, cần đánh giá các xu hướng, kiến nghị, đề xuất. Sau đó lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án Luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ dành một ngày để tiếp tục họp và cho ý kiến về nội dung quan trọng này.
Đề cao vai trò giám sát của người dân trong lĩnh vực đất đai
Ngày 10/3, Hội đồng khoa học của UBTVQH cũng đã tổ chức Phiên họp thứ 5, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, khẳng định đất đai là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, GS.TS Võ Khánh Vinh, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đề nghị cần bám sát quy định Hiến pháp và Nghị quyết số 18-NQ/TW để hoàn thiện các quy định.
Về một số nội dung cụ thể, GS.TS Võ Khánh Vinh đề cập đến thực tế tình hình tham nhũng liên quan đến đất đai và đề nghị quan tâm để thể hiện đậm nét nội dung kiểm soát quyền lực trong đất đai trong dự thảo Luật. Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, kiểm soát quyền lực Nhà nước thực chất chính là đề cao vai trò giám sát của người dân trong lĩnh vực đất đai. Do vậy, cần cụ thể hóa vai trò này trong từng nội dung của Luật.
Nhấn mạnh đến quyền chủ sở hữu đất đai của toàn dân, GS.TS Hoàng Thế Liên, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nguyên tắc về quyền chủ sở hữu toàn dân là nội dung chi phối, nguyên tắc cơ bản của toàn dự thảo Luật. Vì vậy, cần quy định rõ người dân có quyền giám sát, quyền tham gia ý kiến đối với các vấn đề quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính…, tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng đúng theo vai trò của người chủ sở hữu. Cùng với đó, cần nêu rõ hơn nữa quyền của cơ quan đại diện của dân, có cơ chế kiểm soát mạnh mẽ để ngăn chặn tiêu cực nảy sinh.
Quan tâm đến quy định về thu hồi đất, TS Nguyễn Quân, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định tại dự thảo Luật, có nhiều trường hợp khá phức tạp. Nêu thực tế hiện nay trên 70% số khiếu kiện, tranh chấp là về lĩnh vực đất đai, TS Nguyễn Quân cho rằng, nếu không quy định rõ tiêu chí các dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, mục đích công cộng, quốc gia thì dự án nào cũng có thể xếp vào loại này, dẫn đến nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quân, nếu Nhà nước đứng ra thu hồi đất để phục vụ cho các dự án thương mại của các doanh nghiệp thì sẽ không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, có thể gây mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài, dễ dẫn đến sai phạm.
Về mức bồi thường khi thu hồi đất, dự thảo Luật đưa ra khái niệm “giá thị trường”. Theo TS Nguyễn Quân, việc bồi thường theo giá thị trường là việc rất mơ hồ, khó xác định chính xác. Do đó, việc bồi thường khi thu hồi đất như trong quy định tại dự thảo Luật là chưa đảm bảo khả thi trong áp dụng thực tế. Ngoài ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Luật cần quy định rõ chỉ điều chỉnh quy hoạch do nguyên nhân, mục đích an ninh quốc phòng, quốc gia công cộng hoặc trong điều kiện bất khả kháng, không điều chỉnh quy hoạch một cách bừa bãi… để đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, phát huy mạnh mẽ tiềm lực của tài nguyên đất đai.
Chung mối băn khoăn về việc thu hồi đất, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, cần quy định chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân bị thu hồi đất. Theo đó, dự thảo Luật cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, quy định cụ thể các tiêu chí “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.