Dự thảo Thông tư này quy định về khám bệnh, chữa bệnh (KCB); đấu thầu quốc gia, quản lý, điều phối sử dụng thuốc điều trị bệnh lao do Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; thanh toán chi phí KCB BHYT đối với người nghi mắc bệnh lao, người mắc bệnh lao, người mắc bệnh lao kháng thuốc, người mắc lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến KCB lao.
Quy định thanh toán chi phí
Dự thảo nêu, việc thanh toán chi phí KCB BHYT đối với người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn thực hiện theo các quy định của pháp luật về KCB BHYT.
Định kỳ hằng tháng, hằng quý, các cơ sở KCB tuyến dưới thuộc quyền quản lý của đơn vị đầu mối có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo chi phí KCB BHYT đối với người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn về đơn vị đầu mối theo quy định về trích chuyển dữ liệu điện tử. Trường hợp vì lý do đặc biệt, bất khả kháng như đường truyền, phương tiện không trích chuyển được dữ liệu điện tử thì phải báo cáo trực tiếp bằng văn bản.
Trong trường hợp cơ sở KCB không đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý người mắc bệnh lao, lao kháng thuốc mà phải chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Quỹ BHYT chi trả chi phí thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng cho cơ sở KCB nơi chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh, theo mức giá của cơ quan có thẩm quyền.
Khi đó, cơ sở tiếp nhận thực hiện dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng chỉ thực hiện tiếp nhận khi có đầy đủ các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để thực hiện được dịch vụ kỹ thuật đó phê duyệt tại cơ sở nơi thực hiện các dịch vụ kỹ thuật.
Đối với người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn sau khi được cơ sở KCB tuyến trên chuyển về tuyến xã để tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì thì trạm y tế xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý, điều trị tương tự như đối với các trường hợp người bệnh không lây nhiễm.
Đối với tuyến xã thực hiện chỉ định y lệnh của tuyến trên để quản lý, theo dõi cấp phát thuốc, giám sát người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn theo quy định tại khoản 4 Điều này thì được quỹ BHYT chi trả tiền khám bệnh cho mỗi lần khám và cấp phát thuốc cho người bệnh. Mức giá thanh toán theo mức giá tiền khám bệnh tại trạm y tế tuyến xã.
Điều kiện cơ sở y tế thực hiện
Theo dự thảo Thông tư, các cơ sở y tế thực hiện KCB bệnh lao là các cơ sở KCB có đủ điều điều kiện hoạt động KCB theo quy định của pháp luật về KCB, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động KCB, bao gồm các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật để ký và/hoặc thực hiện hợp đồng KCB BHYT đối với bệnh lao.
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định rõ về việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong KCB lao. Cụ thể, việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong KCB lao được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều này.
Người có thẻ BHYT bị mắc bệnh lao, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn được xác định là đúng tuyến KCB BHYT theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Người mắc bệnh lao kháng thuốc được xác định là đúng tuyến KCB BHYT trong các trường hợp sau: a) Theo quy định tại khoản 2 Điều này; b) Chuyển tuyến từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và ngược lại; c) Chuyển tuyến từ tuyến huyện lên tuyến trung ương và ngược lại.