Từ xoa dịu tổn thương…
TS. BS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, cũng như các cơ sở y tế khác, trong trạng thái bình thường mới, số bệnh nhân (BN) bị bệnh về máu mắc COVID-19 gia tăng cũng tương đương với số ca mắc tăng trong cộng đồng. Quan điểm của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là những BN mắc bệnh máu và nhiễm cả COVID-19 mà bắt buộc phải điều trị sẽ được điều trị. Cũng vì lý do này, Viện đã thành lập đơn vị điều trị cho những người mắc bệnh máu nhiễm COVID-19 bắt buộc phải điều trị.
Được biết, các BN bị bệnh máu ác tính thường rất ít người được tiêm phòng COVID-19. Họ cũng ít có sự chuyển biến nặng về COVID-19 như chúng ta nghĩ, tuy nhiên họ vẫn cần được theo dõi. Khi có chuyển biến nặng (tầng 2 rưỡi hoặc 3), Viện sẽ cho chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc Bệnh viện Đại học Y. Trường hợp họ vẫn “lấp lửng” tầng 1, 2 thì vẫn giữ lại điều trị bệnh về máu là chính.
Các trường hợp F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể trì hoãn được sẽ cho về nhà điều trị như những người bình thường khác. Còn các trường hợp không phải bệnh ác tính hoặc những người bị bệnh ác tính, là người già và không phải điều trị hóa chất, Viện sẽ nhanh chóng cho làm các xét nghiệm, xem họ cần thì truyền máu, tiểu cầu, truyền chế phẩm rồi cho về ngay trong ngày. Các trường hợp không thể về ngay trong ngày thì cố gắng truyền máu rồi cho họ về càng sớm càng tốt.
Theo PGS.TS Bạch Quốc Khánh, như các BN bình thường khác, nếu BN ung thư hay những BN mắc bệnh nan y về máu khác đã được tiêm chủng thì nhiều trường hợp khi bị mắc gần như không có triệu chứng gì nên rất khó phát hiện, vì thế nên bệnh viện yêu cầu BN vẫn phải tuân thủ 5K.
Đối diện với nỗi lo biến chứng hậu COVID-19, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, có hai khía cạnh: Một là với những người đã trải qua điều trị hồi sức tích cực (như BN phải thở máy, BN phải thở oxy áp lực cao hay BN bị tổn thương phổi), sau khi quay trở lại cuộc sống bình thường, BN sẽ bị tâm lý nặng nề. Vì vậy, muốn hồi phục, BN phải được trị liệu về mặt tâm lý và phải có thời gian dài để hồi phục. Còn đối với BN đã phải điều trị các triệu chứng do COVID-19, kiểu gì cũng để lại di chứng, dù ít hay nhiều, nhất là về mặt tinh thần. Vì vậy, chúng ta phải truyền thông để cho người dân sau khi điều trị COVID-19 nên đi khám sớm để xử lý kịp thời.
“Thường thì các bệnh hậu COVID-19 diễn ra với các BN nặng, bởi họ phải đặt một cái ống qua đường khí quản để thở hàng tháng trời nên khi rút ống thở ra rất dễ bị di chứng (có thể bị xơ, bị hẹp đường khí quản, đường thở). Và những tổn thương phổi chưa hết hẳn và rất dễ nặng trở lại khi anh bị nhiễm bất cứ cái gì khác, phổi lại bị tổn thương trở lại. Có những BN có sức đề kháng kém, sau khi được chữa khỏi COVID-19, cứ thời tiết thay đổi họ lại bị tổn thương phổi trở lại… Vì lẽ đó, BN hậu COVID-19 rất cần có bác sĩ tâm lý bên cạnh động viên, trò chuyện, giải tỏa về mặt tâm lý. Cùng với đó, cần sự hợp tác từ phía BN và người nhà BN để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này!” – TS. BS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.
TS. BS Bạch Quốc Khánh |
Đến nâng cao thể trạng và tinh thần
Trước sự gia tăng “chóng mặt” các ca lây nhiễm ở trẻ em, nhất là các em chưa được tiêm phòng COVID-19 sau khi quay trở lại trường học, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai lý giải, điều này là đương nhiên vì sau một thời gian nghỉ ở nhà, khi ra ngoài xã hội, môi trường, trẻ dễ dàng mắc COVID-19 và rất nhiều bệnh khác khi giao mùa.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay cứ thấy con ho, sốt, cha mẹ lại test COVID-19 cho con mà quên đi các bệnh khác như cúm, viêm đường hô hấp vì tháng này chính là tháng của các bệnh về hô hấp. Thời điểm này, năm nào cũng vậy, bệnh viện nào cũng tràn ngập trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp, cúm mùa… “Bởi vậy, đừng tập trung, nghĩ quá nhiều về COVID-19, chỉ nên coi COVID-19 là một trong những nguyên nhân gây ho, sốt ở trẻ em” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hơn 2 năm đối mặt với COVID-19, chúng ta đã hiểu quá rõ về cơ chế lây của căn bệnh này, cũng như cách phòng bệnh. Phần lớn các trường hợp trẻ em mắc COVID-19 không quá nặng cũng như rất nhanh khỏi. Việc chữa trị cho các em cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, có phụ huynh do quá lo lắng cho con uống thuốc hạ sốt liên tục dẫn đến bệnh càng nặng thêm.
Bên cạnh đó là tình trạng tống kháng sinh một cách bừa bãi nên bị tác dụng phụ; rồi tình trạng lạm dụng corticoid cũng rất phổ biến, trong khi đó corticoid chỉ được sử dụng trong một số trường hợp và phải được bác sĩ chỉ định, kê đơn… “Nhiều gia đình cứ thấy con mắc COVID-19 là ra hiệu thuốc mua một đống thuốc về cho con uống, ai mách gì cũng mua, mà không biết rằng điều đó không có ý nghĩa gì nhiều trong việc điều trị bệnh, thậm chí có hại cho sức khỏe con em mình”, theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, với các trường hợp nhẹ, chỉ cần cho uống thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin và uống thật nhiều nước hoa quả. Chỉ đến bệnh viện trong trường hợp uống thuốc hạ sốt 3 ngày mà không thấy hạ sốt (trong trường hợp này nên nghĩ đến một bệnh khác nữa, chứ không chỉ COVID-19), đồng thời với đó là các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, li bì…
Đối với thực tế, gia đình bố mẹ mắc nhưng các con không bị mắc; có trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, nhưng cũng có trường hợp “thập tử nhất sinh”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đó là nhờ hệ thống miễn dịch tự nhiên và hệ thống miễn dịch tự nhiên vô cùng quan trọng, không chỉ đối với COVID-19 mà tất cả các bệnh khác. Vì vậy, muốn phòng, chống dịch COVID-19, phải đưa sức đề kháng thực sự của mình lên.
Cụ thể, phải tuân thủ 5 yếu tố: Một là, dinh dưỡng khoa học (không nên để cơ thể bị béo phì hay gầy quá); Hai là, thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn (tập các bài tập phù hợp với thể trạng); Ba là, tiếp xúc với thiên nhiên (hòa nhập với thiên nhiên và đi bộ ở công viên); Bốn là, tiêm chủng và Năm là, nâng cao đời sống tinh thần (luôn lạc quan, vui vẻ, thoải mái về tinh thần).