Dư luận quốc tế về chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Singapore ngày 23/8. Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Singapore ngày 23/8. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Washington Post, Reuters, CNBC và báo chí khu vực đăng tải bình luận về chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Một số bình luận cho rằng, chuyến thăm nhằm thể hiện cam kết chặt chẽ của Washington với khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ tiến hành rút quân ra khỏi Afghanistan.

Gửi thông điệp tới ASEAN

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lựa chọn thăm Việt Nam và Singapore trong chuyến công du này. Trong một bài bình luận với tiêu đề “Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ gửi thông điệp tới ASEAN” đăng ngày 23/8, tờ irrawaddy của Myanmar cho rằng, theo quan điểm của Mỹ, hai quốc gia trong điểm đến lần này của bà Harris được coi là những đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Chuyến thăm của bà Harris đang được tất cả các nước thành viên ASEAN theo dõi chặt chẽ, đặc biệt ra trong bối cảnh Taliban chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan. ASEAN có lẽ muốn biết Mỹ sẽ nói gì để trấn an các đối tác và đồng minh rằng, Washington sẽ luôn “ở lại” và giữ vững cam kết của mình.

Đông Nam Á đóng vai trò vô cùng to lớn với Mỹ. Đây là khu vực có các đồng minh lâu năm như Philippines và các đối tác quan trọng, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Theo đánh giá của irrawaddy, Singapore – một quốc gia giàu có trong ASEAN muốn duy trì sự gắn kết chặt chẽ mới Mỹ để có được sự đảm bảo về an ninh. Từ trước đến nay, quốc đảo này vẫn luôn theo đuổi một chính sách cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Còn Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực cùng nhau khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai và cùng đối phó với những thách thức chung.

Ông Alan Chong, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định, việc Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự tin cậy trong các cam kết quốc phòng của Mỹ, nhưng bà Harris sẽ có cơ hội chứng minh cho các đối tác châu Á thấy rằng “Mỹ sẽ không rút lui”.

Mỹ cần biến lời nói thành hành động

Cùng ngày, Washington Post cũng có bài bình luận cho rằng, Washington cần phải hành động nhiều hơn nữa để chứng minh vai trò của mình ở Đông Nam Á. Theo bài báo này, sau nhiều năm giảm ưu tiên cho chính sách với Đông Nam Á, Mỹ đã quay trở lại.

Trong chuyến thăm Singapore, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh cam kết của Mỹ với khu vực. Bà khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như sự mở rộng hợp tác về an ninh, kinh tế toàn cầu và ứng phó với dịch bệnh. Câu nói đáng chú ý của Phó Tổng thống Mỹ là “tái khẳng định, củng cố và làm mới” khi bà phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23/8.

Tuy vậy, Đông Nam Á vẫn cần xem xét Mỹ sẽ thực hiện các cam kết của nước này như thế nào. Như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói, nhận thức về quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ được quyết định thông qua những gì Mỹ làm trong tương lai, cách họ định vị lại mình trong khu vực, cách họ thu hút nhiều bạn bè, đối tác và đồng minh của mình. Ông coi chuyến thăm như một dấu hiệu cho thấy Mỹ “đang nối lại quan hệ”.

Đánh giá Đông Nam Á là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Biden đã cử nhiều quan chức chủ chốt khác trong chính quyền như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thăm khu vực trong những tháng gần đây. Theo Washington Post, những chuyến thăm này cho thấy Washington nhận ra họ có nhiều công việc phải làm.

Bec Strating, giảng viên cao cấp về về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe tại Melbourne lưu ý rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan dù vấp phải nhiều chỉ trích nhưng động thái này cũng có thể được coi là sự củng cố chính sách xoay trục về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nói cách khác đây có thể là cơ hội để Mỹ dành nhiều thời gian và nguồn lực ngoại giao cho Đông Nam Á.

Cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm

Theo CNBC, so với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền Biden tỏ ra “cẩn trọng và suy xét kỹ lưỡng hơn” trong việc kết nối với các quốc gia Đông Nam Á. Giải thích về vấn đề này, bà Angela Mancini, chuyên gia phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn Control Risks cho biết, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là vấn đề “số 1” nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ liên quan đến chính sách đối ngoại, chính quyền Biden thừa nhận rằng, Đông Nam Á sẽ không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Sự cạnh tranh Mỹ - Trung là vấn đề quan trọng trong khu vực, đôi khi đặt các quốc gia vào tình thế buộc phải chọn bên. Chính quyền Biden muốn làm rõ rằng, sự hợp tác giữa Mỹ và Đông Nam Á sẽ rộng hơn rất nhiều, chứ không chỉ riêng về vấn đề đó. Có rất nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết, chẳng hạn như dịch bệnh COVID-19 và để làm được điều đó đòi hỏi phải củng cố quan hệ đối tác cũng như tăng cường tiếp xúc”.

Bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông - một điểm nóng trong khu vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Harris đã khẳng định cam kết của Mỹ về việc hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Reuters dẫn bài phát biểu của Phó Tổng thống Harris tại Singapore ngày 24/8 cho biết: “Chúng tôi biết rằng, Trung Quốc tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn khu vực Biển Đông. Những tuyên bố phi pháp này đã bị Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ vào năm 2016 và hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác”.

Trước đó hôm 23/8, phát biểu với báo chí Sau cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23/8, bà Harris nói rằng: “Tôi đã tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải, gồm ở Biển Đông".

Theo giới phân tích, tuyên bố nói trên một lần nữa tái khẳng định chính sách của chính quyền Biden trong vấn đề Biển Đông. Trong những tuần đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng, ông sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, trong đó phải kể đến việc tăng cường các hoạt động hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.