Dự kiến 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành Tư pháp

(PLO) - Báo PLVN gửi tới độc giả dự kiến 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành Tư pháp

1. Quốc hội thông qua Luật đấu giá tài sản - bước đột phá trong hoạt động đấu giá tài sản, hoàn thiện thể chế xử lý tài sản trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước

Ngày 17/11/2016, với trên 84% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật. Đây là văn bản Luật đầu tiên được Quốc hội khóa XIV thông qua và lần đầu tiên hoạt động đấu giá tài sản được được điều chỉnh ở văn bản pháp lý là luật, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý đối với lĩnh vực này, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

 Luật đấu giá tài sản có nhiều nội dung mang tính đột phá trong việc tạo cơ chế xử lý tài sản một cách khách quan, hiệu quả và minh bạch, nâng cao hơn nữa chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản đối với Nhà nước và khách hàng, quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và tính chuyên nghiệp hoạt động đấu giá tài sản trong thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, dấu ấn quan trọng khẳng định vai trò của Hệ thống thi hành án dân sự trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Năm 2016, đánh dấu 70 năm hình thành và phát triển của Hệ thống Thi hành án dân sự (19/7/1946- 19/7/2016). Tại Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, đồng chí Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã đến dự và phát biểu biểu dương những kết quả, thành tích to lớn mà các thế hệ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Hệ thống thi hành án dân sự đạt được.

Trong suốt chặng đường 70 năm qua, hoạt động thi hành án dân sự không những đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Hệ thống thi hành án dân sự trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên toàn Hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án trong bối cảnh số việc và tiên thụ lý mới tăng cao nhất từ trước đến nay. Đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỉ lệ 78,53% trên tổng số việc có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 8,53% và trên 29.097 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33,74% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 3,74%, giảm số việc, tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau. 

 Nhân dịp này, Tổng cục Thi hành án dân sự vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

3. Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III đã được tổ chức thành công trong cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư

Thiết thực đổi mới nội dung, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và 63 địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III sâu rộng trong cả nước (toàn quốc, tại 03 khu vực, cấp tỉnh, cấp huyện và xã). Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa với 03 phần thi lý thuyết, xử lý tình huống, tiểu phẩm đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng; đợt học tập, tìm hiểu pháp luật của cả hệ thống chính trị, toàn thể đội ngũ hòa giải viên và nhân dân; thu hút sự tham gia dự thi của hàng chục ngàn hòa giải viên và hàng triệu lượt người tham dự. Hội thi không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tôn vinh đội ngũ hòa giải viên, mà còn thiết thực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới đến cán bộ, nhân dân một cách gần gũi, thiết thực nhất, tích cực góp phần hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. 

4. Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác đa phương về pháp luật và tư pháp

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, năm 2016, với sự tham mưu của Bộ Tư pháp, Việt Nam đã đệ trình Văn kiện xin gia nhập và chính thức trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đồng thời mở ra cơ hội để các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc hoàn thiện thể chế, pháp luật quốc gia.

Cùng với đó, việc tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ ba đã tiếp tục khẳng định mối quan hệ ngày càng gắn bó bền chặt giữa Ngành Tư pháp hai nước, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam - Lào, tài sản vô cùng quý báu mà các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp hai nước luôn có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và phát triển.

5. Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bước chuyển mới trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính

Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện cải cách cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân. 

Đây là một bước đột phá nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thay thế một phần quan trọng cho phương thức truyền thống trước đây là tổ chức, công dân trực tiếp mang hồ sơ, tài liệu, giấy tờ đến cơ quan hành chính nhà nước để nộp và chờ nhận kết quả ngay tại cơ quan đó. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn cách trở; giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội mà vẫn bảo đảm an ninh an toàn đối với hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tổ chức, công dân. Đồng thời, việc giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ góp phần giảm áp lực đối với các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giảm cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính công trong giai đoạn mới của đất nước.   

6. Triển khai Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân đáp ứng các yêu cầu của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, đặt nền móng xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Triển khai thi hành Luật Hộ tịch và CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật Căn cước công dân, từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Công an, đã triển khai và từng bước mở rộng triển khai, áp dụng chính thức Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân tại Bộ Tư pháp và 12 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nghệ An, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp triển khai ứng dụng CNTT tại cả 04 cấp chính quyền; là tiền đề cơ bản để triển khai CSDL hộ tịch điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, đảm bảo sự thành công của việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, hướng tới đơn giản hóa các TTHC liên quan đến giấy tờ công dân, đáp ứng các mục tiêu của Đề án 896 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Tính đến ngày 08/12/2016, toàn hệ thống đã ghi nhận hơn 342.900 trường hợp đăng ký khai sinh với gần 277.200 trường hợp đăng ký mới được cấp Số định danh cá nhân.

7. Công tác thẩm định VBQPPL, trong đó có chùm Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; lần đầu tiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 

Trong công tác thẩm định VBQPPL năm 2016, Bộ Tư pháp đã nỗ lực góp phần thực hiện tốt chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đảm bảo việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, quá trình thẩm định chùm 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp bên cạnh việc xem xét sự phù hợp, tính cần thiết của các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dự thảo nghị định; khả năng thay thế các điều kiện đó bằng một số quy định, điều kiện ít hạn chế hơn quyền tự do đầu tư kinh doanh, còn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nhiều thủ tục hành chính trong từng dự thảo nghị định, nhằm cắt giảm các thủ tục, giấy phép, qua đó giúp tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thực hiện chức năng cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tích cực, chủ động đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện, qua đó, lần đầu tiên không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

8. Quốc hội thông qua Luật tiếp cận thông tin - hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp

Ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp cận thông tin, đây là sự kiện pháp lý quan trọng, giúp hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. 

Việc ban hành Luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, qua đó, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, việc ban hành Luật còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, góp phần nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả.

9. Lần đầu tiên chuẩn tiếp cận pháp luật được bổ sung vào Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân

Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, theo đó, tiếp cận pháp luật được xác định là một trong các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Quy định trên tiếp tục tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 95% số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; góp phần đưa nội dung đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân được xác định tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ), là cơ sở bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

10. Đóng góp quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 09/11/2016, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt gần 80 đại biểu Quốc hội (chiếm hơn 15% số đại biểu Quốc hội khóa XIV) đã từng giảng dạy, công tác, học tập tại Trường. Trong đó, nhiều đồng chí là Lãnh đạo cấp cao, được Đảng, Nhà nước giao giữ những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, đồng chí Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, 10 đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhiều đồng chí là lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội và địa phương.

Đây là sự kiện quan trọng tạo sự kết nối bền vững, thường xuyên, hiệu quả giữa Nhà trường nói riêng và Bộ, ngành Tư pháp nói chung với các hoạt động của Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội; góp phần lan tỏa tinh thần, phong cách, hình ảnh của cựu sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đến đông đảo sinh viên đã và đang học tập tại trường; gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường với thực tiễn và hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, khẳng định Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học có chất lượng, có năng lực và uy tín hàng đầu ở Việt Nam.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.