Việt Nam là đối tác lớn trong Tiểu vùng Mekong
GMS bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Khu vực này được hình thành từ sáng kiến của Ngân hàng phát triển Á Châu. Đến nay, quy mô hợp tác nội vùng đã đạt 28 tỷ USD với hàng trăm dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nổi bật là xây dựng và nâng cấp gần 12.000 km đường bộ, 700 km đường sắt, gần 3.000 km đường dây truyền tải điện.
GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia Đông - Tây và Bắc - Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - Viện nghiên cứu Đông Nam Á, trong 3 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng hợp tác GMS vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022, nổi bật là việc hoàn thành 11 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam được đánh giá là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước GMS. Trao đổi thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực này ngày càng tăng với cả quy mô, cơ cấu và đa dạng về hình thức.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 4 nước GMS gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan 549 dự án (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN. Đầu tư của Việt Nam vào các nước GMS tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: khai khoáng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng và bảo hiểm; bất động sản…
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước GMS đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD; đầu tư trực tiếp của Lào, Campuchia và Myanmar vào Việt Nam chưa đáng kể .
Đầu tư của các nước GMS vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí, nước; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Hội chợ GMS 2022 tổ chức tại tỉnh Quảng Trị |
Đầu tư nội vùng GMS chưa tương xứng với tiềm năng
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng đánh giá, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với GMS tăng nhanh không chỉ đem lại lợi ích riêng cho mỗi một nước mà cho cả khu vực này. Bởi khi trao đổi thương mại đầu tư phát triển sẽ góp phần tăng quy mô thị trường, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đây chính là điểm thu hút các doanh nghiệp bên ngoài GMS.
Cụ thể, Việt Nam đã triển khai các dự án trong nông nghiệp, chế biến… ở GMS đã tạo nên mạng lưới sản xuất rộng lớn và các chuỗi giá trị gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong nhiều lĩnh vực quan trọng của các ngành công nghiệp đã có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn đến từ các cường quốc kinh tế và nhờ đó đã tạo được mạng lưới sản xuất ở châu Á và tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam.
“Nhờ đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư với GMS của Việt Nam đã góp phần gia tăng sự sôi động không chỉ ở nội địa mà cả dọc tuyến biên giới và góp phần xóa đói giảm nghèo cho các vùng xa xôi khó khăn của các nước GMS”, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng nói.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hợp tác kinh tế nói chung, trong đó hợp tác đầu tư nói riêng nhằm thúc đẩy phát triển Tiểu vùng Mekong đang được nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… và các tổ chức quốc tế quan tâm và hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là hỗ trợ về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực… Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước GMS còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, môi trường đầu tư của các nước trong GMS mặc dù đã được cải thiện vẫn chưa thật thuận lợi; luật pháp chính sách thu hút FDI còn không ít bất cập; còn thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các dự án đầu tư trong nội bộ Tiểu vùng; việc thực thi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN còn chậm và chưa được quan tâm thúc đẩy đúng mức cũng là yếu tố làm chậm tốc độ di chuyển dòng vốn FDI giữa các nước ASEAN nói chung và các nước GMS nói riêng.
Do đó, các nước GMS cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò FDI đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế tiểu vùng, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN đầy đủ năm 2025.