Đinh Thu Hà, Trưởng nhóm của dự án Green Fingers Vietnam, hiện là sinh viên Trường Đại học Nội vụ chia sẻ về hành trình của nhóm:
Ý tưởng manh nha khi các thành viên Dự án đang tuổi học trò, Hà có thể cho biết ai là người phụ trách và các em bắt đầu triển khai như thế nào?
- Đây là dự án kế thừa những anh chị đi trước tham gia cuộc thi Thủ Lĩnh Trẻ của Đông Nam Á năm 2016. Dự án đã duy trì được 6 năm và trải qua 8 mùa hoạt động với người đứng đầu là những sinh viên.
Các hoạt động năm nay và sắp tới sẽ do từng thành viên dự án phụ trách để mọi người đều thử sức và trải nghiệm kỹ năng lãnh đạo, quản lý để có thể hiểu bản thân mình hơn.
Em đến với dự án từ lúc còn là học sinh ở thành phố cảng Hải Phòng, từ vị trí cộng tác viên. Em cũng bất ngờ khi đến nay sẽ được cùng các bạn xây dựng những hoạt động, sự kiện quy mô để bảo vệ môi trường.
Các bạn phát triển dự án này với thông điệp thế nào?
- Chúng ta có thể nhận thấy những năm gần đây các hiện tượng môi trường tiêu cực đã thực sự thể hiện rõ rệt. Thời tiết khắc nghiệt, bão lũ gây tác hại lớn đến đời sống con người, rồi nguồn nước ngọt khô cạn, ô nhiễm... Chúng em phát động thu gom những chiếc pin nhỏ đã qua sử dụng với mong muốn tạo dần thói quen cho mọi người là hãy gom pin đã sử dụng để hạn chế ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Dự án gồm những người trẻ làm việc cùng nhau, các bạn có bao giờ bất đồng ý kiến?
- Các thành viên dự án đều tôn trọng sự khác biệt và lắng nghe nhau. Không có ý kiến bạn nào sai chỉ có chưa đúng mà thôi, những ý tưởng hay và có khả năng thực hiện sẽ được bảo lưu để thực hiện sau. Do đó các hoạt động được tổ chức cùng nhau và hầu như chưa có sự bất đồng. Đôi khi em rất thích các bạn còn có những ý kiến khác nhau vì điều đó chứng tỏ các bạn thực sự đang suy nghĩ, thực sự muốn dành tâm huyết cho dự án và lo lắng cho cộng động.
Để có được tập thể đoàn kết, thống nhất như thế thì từ khâu tuyển chọn thành viên của dự án đã rất kỹ càng với các tiêu chí cụ thể và các thành viên phải gạt bỏ cái tôi để có thể làm việc chung.
Những người trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, khi xây dựng một dự án bảo vệ môi trường gặp khó khăn gì, nhất là với mục đích xây dựng được niềm tin, điều chỉnh hành vi trong cộng đồng?
- “Lũ trẻ này làm mất thời gian lắm”, “Các em còn quá trẻ, chúng tôi chưa thực sự tin tưởng các em”... Các thành viên dự án đã nghe được những câu trả lời như vậy từ người lớn khi đề nghị hợp tác. Em suy nghĩ: Vậy lấy đâu ra sân chơi bổ ích cho tương lai khi các chú bác không tạo điều kiện để lớp trẻ có cơ hội chứng minh khả năng bản thân?.
Quả thực chúng em chỉ có thời gian, nhiệt huyết và sự học hỏi nên đôi khi bị mất định hướng, mất tinh thần khi làm việc với một số đối tác, bị đối tác quát mắng. Tuy nhiên dự án chỉ là phép thử và có quyền điều chỉnh cho đúng trong khoảng thời gian này. Bởi vậy, khoảng thời gian mất tinh thần chỉ được diễn ra 1 đến 2 ngày mà thôi.
Chúng em phải động viên nhau sốc lại tinh thần để tìm những đối tác khác và rút kinh nghiệm. Rất may chúng em luôn có những anh chị đi trước hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm.
Thành viên dự án là những người rất trẻ. |
Dự án Green Fingers đã thực hiện được những hoạt động gì?
- Dự án đã tổ chức thành công các buổi hướng dẫn tại các trường, các buổi workshop (các buổi trao đổi/chia sẻ kiến thức, kỹ năng... - PV) về năng lượng hay rác thải, chiếu phim về thảm họa pin qua sử dụng không được xử lý và thu gom pin. Các thành viên dự án rất mong muốn những hoạt động này có thể tiếp cận nhiều bạn trẻ cũng như phụ huynh, để mọi người có thể tham gia và chia sẻ ý kiến cùng nhau. Hoạt động thành công chỉ khi người tham gia cảm nhận được giá trị của nó.
Khi các hoạt động của dự án thành công, hy vọng mỗi cá nhân điều chỉnh được hành động của mình và những người xung quanh có thể quan sát, làm theo, từ đó có ý thức nâng cao trách nhiệm bản thân với môi trường.
Những mục tiêu và hướng phát triển của dự án thời gian tới?
Dự án đang gây quỹ các sản phẩm bảo vệ môi trường nước và sức khỏe con người như nước rửa bát, xà phòng tắm... Hoạt động này là tiền đề để dự án có thời gian chuẩn bị và tự trau dồi kiến thức để có thể tổ chức một chuỗi sự kiện môi trường hoặc hội chợ để cộng đồng biết có rất nhiều người quan tâm đến môi trường nhưng chưa thực sự dám hành động vì những tác động khách quan.
Bọn em vừa thực hiện chiến dịch này được 3 tháng tại Hà Nội và Hải Phòng, thấy được hiệu quả của dự án. Nhiều người dân đã mang pin (họ tích dần, họ nhặt ở ngoài đường) đến những điểm nhà thành viên. Với cách gọi rất dễ thương như "đổi pin lấy hoa, lấy cây cảnh...", từ tháng 7 đến nay, dự án đã thu được hơn 5.000 viên pin tiểu (khoảng 10 cân). Sau khi thu gom chúng em mang đến các địa chỉ xử lý rác thải theo quy định của nhà nước.
Còn những năm trước thì có những nhóm khác thực hiện và đều thu được những kết quả khả quan. Khi một người dân mang pin đến cho tụi em có nghĩa là họ không còn vứt pin vào thùng rác hay đâu đó theo thói quen cũ.
Xin cảm ơn em và chúc dự án thành công hơn nữa!
"Green Fingers Vietnam sẽ biến dự án thành một điểm tập kết pin cũ, những vỏ chai nhựa hoặc chế phẩm liên quan tới nhựa, hay đồ thiếc vứt đi không dùng đến. Khi đã tập kết đủ số lượng thì các thành viên dự án sẽ vận chuyển những đồ vật này tới nơi được xử lí đúng cách để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Một phần sẽ được tái sử dụng, “tân trang”, xuất hiện lại với nhiều hình thái khác nhau có giá trị sử dụng hơn!
Dự án được phát động nhằm mục đích giảm thiểu, hạn chế số lượng pin cũ, rác thải nhựa hay những chế phẩm có hại tới môi trường nhưng không được xử lí đúng cách thải ra môi trường – những thứ mà gây ảnh hưởng về lâu về dài tới hệ sinh thái cùng sức khỏe con người.
Mong chiến dịch lần này sẽ nhận được sự tham gia cùng ủng hộ của mọi người! Đó cũng chính là động lực lớn lao nhất để tiếp sức cho Green Fingers Vietnam!", Đinh Thu Hà bày tỏ.