Hướng đến các dịch vụ hiện đại
Thời gian gần đây, nhằm phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, hạ tầng văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nên chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã ra sức tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, logistic; nhất là các dịch vụ theo hướng hiện đại, có lợi thế, dịch vụ công nghệ cao.
Theo đó, huyện Nhơn Trạch đã tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế toàn diện, bền vững để sớm xây dựng Nhơn Trạch trở thành Đô thị loại III sau năm 2025, là đô thị có vị trí quan trọng của tỉnh và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa, những sản phẩm chủ lực của địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại (thương mại điện tử), tích cực tham gia công tác xúc tiến thương mại, dự báo và tìm kiếm thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Triển khai thực hiện và đa dạng hóa các sản phẩm từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP đạt 3 sao trở lên) và xây dựng các điểm trưng bày các sản phẩm tiêu biểu, liên kết các điểm du lịch, kết nối, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với các tỉnh bạn. Mục tiêu cụ thể được huyện đặt ra là tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ đạt bình quân 25%/năm trong giai đoạn 2020-2025 và 26%/năm giai đoạn 2026-2030.
Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện thực hiện mạng lưới cơ sở buôn bán, bán lẻ, cụ thể như: Trong giai đoạn 2020-2025, kêu gọi và hoàn thiện hồ sơ đầu tư 01 chợ hàng I, 01 trung tâm thương mại hoặc siêu thị, sau năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động. Có ít nhất 20 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích đưa vào hoạt động; các chợ đều đạt tiêu chuẩn chợ văn hóa, cơ bản đáp ứng các yêu cầu văn minh thương mại, từng bước tương đương với các loại hình thương mại khác như siêu thị, trung tâm thương mại. Không để phát sinh và tồn tại các điểm mua bán tự phát trên các tuyến đường giao thông chính, nhất là các xã, thị trấn xung quanh khu công nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Tập trung đầu tư và triển khai thực hiện các Cụm cảng Phú Hữu, Phước An và hệ thống cụm cảng nhóm V đã được Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển mạnh ngành dịch vụ hậu cần, logistics, vận tải hàng hóa… Phấn đấu đến năm 2021, trên địa bàn có 02 Cụm cảng cung cấp dịch vụ logistics, kết nối giao thương giữa huyện với các khu vực lân cận. Đầu tư đưa vào hoạt động ít nhất 1 tuyến phố đi bộ trên địa bàn huyện, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa của người dân.
Phát triển từng giai đoạn
Từng bước xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển. Tập trung duy trì và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm tiêu biểu, liên kết các điểm du lịch, kết nối, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với các tỉnh bạn trong khu vực.
Để thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu đã nêu trên, UBND huyện cũng đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chính, trong đó đáng lưu ý nhất là nhóm giải pháp về nguồn vốn, khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Cụ thể tập trung đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; nhất là các dịch vụ theo hướng hiện đại, có lợi thế, dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng phục vụ sản xất, kinh doanh và tiêu dùng.
Tiếp theo, nhóm giải giáp về phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại (phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh và các dịch vụ lưu trữ hàng hóa, kho hàng cho các tiểu thương, đại lý…).
Nhóm giải pháp được chú trọng nữa là phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh logistics: áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý các thủ tục liên quan đến phương tiện, hàng hóa; hiện đại hóa phương tiện bốc xếp, nâng cao năng lục thực hiện, giảm thời gian và chi phí của khách hàng…
Nhóm giải pháp về các hoạt động dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp: quản lý tốt việc kinh doanh nhà trọ cho công nhân; kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể; dịch vụ giao thông vận tải, thông tin liên lạc, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ tư pháp, lao động việc làm, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…
Cuối cùng, phát triển dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, như: Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thiết kế: logo, nhãn hiện, bao bì, mẫu mã sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm…