Tràn lan hàng giả
Trong đơn khiếu nại gửi Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) đã phản ánh việc sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) đã cắt tem nhãn của sản phẩm và thay thế bằng tem nhãn hiệu CF (viết tắt: Con Cưng Fashion).
Theo đơn của ông Vĩnh, chiều ngày 22/5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) mua hàng với tổng giá trị hóa đơn gần 1,5 triệu đồng, trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng. Sau khi mua sản phẩm từ thương hiệu Con Cưng về nhà, ông mang đi giặt mới phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn cũ và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand.
Ngay sau đó, ông Vĩnh đã mang sản phẩm lỗi đến Con Cưng để làm rõ sự việc. Sau đó, phía Con Cưng nhắn tin cho ông thông báo đã thu hồi sản phẩm lỗi của ông Vĩnh và các sản phẩm lỗi khác đang bán tại cửa hàng. Sau nhiều lần yêu cầu phía người bán làm rõ việc cắt tem, ông nhận được thư xin lỗi từ Con Cưng và gửi tặng ông phiếu mua hàng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, ông không chấp nhận phương án xin lỗi và bồi thường này.
Ông Vĩnh nói qua vụ việc của thương hiệu Khaisilk cắt tem nhãn xuất xứ sản phẩm Trung Quốc rồi thay thế bằng tem nhãn Made in Vietnam khiến ông lo ngại về sản phẩm của Con Cưng cũng có dấu hiệu tương tự.
Được biết, Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như: tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi. Hiện tại, Con Cưng có 311 siêu thị trên toàn quốc, trong đó TP HCM có 105 siêu thị. Các thị trường lớn của Con Cưng gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang…
Trong một diễn biến khác, tháng 5 vừa qua, Chi cục Quản lí thị trường TP HCM và tổ công tác của Cục Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra và phát hiện có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại nhiều gian hàng ở chợ Bến Thành (TP HCM). Các mặt hàng như đồng hồ, mắt kính, bút viết, túi xách… giả các nhãn hiệu: Rolex, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Longines, Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton được bày bán tràn lan với số lượng lên tới hàng nghìn sản phẩm. Hàng giả có giá từ 200 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng/sản phẩm.
Nhức nhối tân dược, đông dược
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/7/2018 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM phối hợp với Tổ kiểm tra của Bộ Công Thương đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền nhằm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn TP.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tới 97 địa chỉ kinh doanh gồm các cửa hàng, tiệm bán ngoài đường và các sạp chợ vi phạm, xảy ra ở tất cả các quận, huyện. Bước đầu lực lượng chức năng tạm giữ hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 500 triệu đồng.
Qua phân loại bước đầu cho thấy, nhóm hàng hóa dược phẩm có vi phạm cao nhất, lên đến gần 77 ngàn đơn vị sản phẩm. Bên cạnh đó các sản phẩm như đông dược, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế cũng có số lượng bị tạm giữ cao không kém.
Cụ thể, khi kiểm tra tại Trung tâm thương mại Dược phẩm và dụng cụ y tế TP HCM (ở quận 10), nơi cung cấp dược và thiết bị y tế lớn nhất cho các tỉnh, thành phía Nam với khoảng 280 quầy của 140 doanh nghiệp, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 3 quầy thì cả 3 đều vi phạm với hơn 80 ngàn sản phẩm tân dược không có hóa đơn, chứng từ.
Tại quận 5 và quận 10 là khu vực có nhiều cửa hàng kinh doanh dược phẩm và thuốc đông y, khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều vụ vi phạm, như: thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không hóa đơn, chứng từ, không có đăng ký lưu hành.
Qua công tác kiểm tra, hầu hết cá nhà thuốc tây y đều vi phạm quy định “kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không nhãn mác”. Không ít các nhà thuốc đông dược và thực phẩm chức năng bị xử lý vì “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh đang uống nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và giá cả...
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa mỹ phẩm cũng tràn lan sai phạm. Trong đợt kiểm tra trên, gần 30 ngàn đơn vị sản phẩm bị thu hồi, hàng chục cơ sở bán mỹ phẩm, làm đẹp bị phát hiện nhập hàng lậu, hàng hóa không có hóa đơn. Điển hình tại tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), Quang Trung (quận Gò Vấp), cơ quan chức năng kiểm tra và tạm giữ hàng ngàn sản phẩm là thuốc nhuộm tóc, nước sơn móng tay, mặt nạ, kem dưỡng da, nước hoa gắn nhãn mác của Pháp, Mỹ, Hàn Quốc nhưng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ.
Quản không xuể
Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, trong tháng 5/2018 đã kiểm tra 523 vụ chuyên ngành và liên ngành, xử lý 68 vụ tiêu huỷ hàng hoá trị giá hơn 99 triệu đồng, phạt hành chính gần 4 tỷ đồng.
Trong năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 164.355 vụ, phát hiện, xử lý 103.146 vụ vi phạm, giá trị hàng tịch thu hơn 215 tỷ đồng, ước trị giá hàng tiêu hủy hơn 206 tỷ đồng. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã và đang gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn chân chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn cũng như tốn kém cho người tiêu dùng.
Một cán bộ quản lý thị trường chia sẻ, không những nhiều thương hiệu, sản phẩm được làm giả trong nước mà còn có cả những sản phẩm bị làm giả ở nước ngoài rồi đưa về thị trường nội địa tiêu thụ. Hàng giả, hàng nhái đóng mác hàng hiệu không chỉ có mặt trong các quận nội thị mà tại các quận vùng ven. Chẳng hạn ở quận Thủ Đức, hàng giả, hàng nhái được mua bán ồ ạt gần làng đại học Thủ Đức, chợ Linh Trung…
Vẫn theo vị cán bộ này, khó khăn nhất trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa là rất khó phân biệt được hàng thật và hàng giả do sản phẩm hàng giả được nhái tinh vi từ kiểu dáng đến chất liệu nên dễ dàng qua mặt người tiêu dùng.
Một trong những cách thức điểm kinh doanh dùng đối phó với cơ quan chức năng là trộn lẫn hàng giả, hàng nhập lậu với hàng thật.
Trước đó Báo PLVN đã có nhiều bài viết phản ánh sự việc siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) có dấu hiệu cắt tem nhãn cũ và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand.
Ngày 21/7, ông Trần Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương) cho biết đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường TP HCM nhanh chóng vào cuộc vụ khách hàng nghi vấn Con Cưng có hành vi thay nhãn mác “như Khaisilk” để làm rõ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự kiến đầu tuần này, văn bản chỉ đạo từ Cục sẽ đến tay các cơ quan liên quan.
Ông Hùng cho rằng cơ quan Hải quan cần vào cuộc xác minh xem nguồn hàng quần áo trẻ em bán ra từ Con Cưng có đúng nhập khẩu từ Thái Lan như trên tem nhãn hay không. Nếu đúng nhập khẩu thì mọi thông tin sẽ nằm trong máy tính, sổ sách cơ quan Hải quan.