Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phan Thị Mỹ Linh, trong năm 2016, số người bị ảnh hưởng từ hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đã vượt xa với dự đoán, dẫn tới số lượng dân số bị thiếu nước sinh hoạt khoảng 230 ngàn người. Chính vì sự ảnh hưởng khó lường của BĐKH, Chính phủ đã nghiên cứu điều chỉnh hạ tầng và cấp nước vùng ĐBSCL; đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL... Thời gian qua, Bộ Xây dựng cùng với Ngân hàng Thế giới đã có chuyến khảo sát tại các địa phương trong vùng về mục tiêu, nhu cầu sử dụng nguồn nước.
Bà Trần Thị Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) cho biết, Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL có phạm vi dự án gồm 7 tỉnh phía Tây Nam sông Hậu gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang với tổng vốn dự kiến khoảng 1,7 tỷ USD, là hệ thống cấp nước vùng/liên tỉnh. Theo đó sẽ lấy nước từ sông Hậu đưa vào quá trình xử lý và truyền dẫn nước sạch đến 7 công ty cấp nước là các đơn vị tiếp nhận thông qua mạng lưới tuyến ống truyền tải.
Dự án chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng được cam kết tài trợ khoảng 440 triệu USD, trong đó vốn vay WB 400 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 40 triệu USD. Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 dự kiến xây dựng nhà máy nước công suất 200.000 – 300.000m3/ngày đêm, lấy nước sông Hậu; xây dựng các đường ống truyền tải vùng, trạm tăng áp, các hạng mục khác.
Theo các chuyên gia tại ĐBSCL, một số tỉnh phía thượng lưu ĐBSCL sử dụng nước mặt, còn lại phần lớn các tỉnh (hạ lưu và ven biển) sử dụng nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực: sụt lún nền đất, hạ thấp mực nước (trung bình 0,3 – 0,9m/năm), suy thoái chất lượng và nhiễm mặn, vượt quá khả năng an toàn.