Đối thoại trực tuyến “Chống tham nhũng vặt- cần thái độ dứt khoát”

Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN Đặng Ngọc Luyến (thứ nhất từ trái qua) cảm ơn ông Phí Ngọc Tuyển, chuyên gia nghiên cứu về chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an
Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN Đặng Ngọc Luyến (thứ nhất từ trái qua) cảm ơn ông Phí Ngọc Tuyển, chuyên gia nghiên cứu về chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an
(PLVN) -Tham nhũng vặt diễn ra nhiều nhất ở cơ sở - những nơi gần dân nhất và nhiều “tai mắt” nhất, chính bởi vậy chẳng ai lạ lẫm. Tuy nhiên, chỉ đến khi báo chí phanh phui, dư luận lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Điều đáng nói, khi xử lý được vụ tiêu cực này này thì nhiều vụ tiêu cực khác lại tiếp tục xuất hiện với quy mô và mức độ đáng báo động hơn. Điều này không chỉ làm cho người dân và doanh nghiệp khó chịu, coi thường lực lượng chấp pháp mà còn suy giảm lòng tin vào Đảng và chế độ.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Và, khi đã nhận diện rõ các hành vi tham nhũng vặt thì trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sắp tới, chúng ta sẽ đề ra những giải pháp cụ thể nào nhằm khắc chế “căn bệnh” này một cách hữu hiệu? Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính mà bị gây khó dễ thì cần phải làm gì để nói không với tham nhũng vặt?

Phó TBT Thường trực Báo PLVN Đặng Ngọc Luyến cho biết "Đối thoại trực tuyến" với các chuyên gia là một trong những Chương trình nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả Báo PLVN
Phó TBT Thường trực Báo PLVN Đặng Ngọc Luyến cho biết "Đối thoại trực tuyến" với các chuyên gia là một trong những Chương trình nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả Báo PLVN  

Để bạn đọc hiểu thêm về vấn đề tham nhũng vặt, vào hồi 10h sáng nay (25/4), Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Chương trình đối thoại trực tuyến với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) và ông Phí Ngọc Tuyển, chuyên gia nghiên cứu về chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

Bạn đọc Hoàng Thị Hoà ( Tp Hồ Chí Minh): Tham nhũng vặt thường thì hậu quả vật chất chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy xin hỏi ông Phí Ngọc Tuyển, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định chế tài ra sao để có thể xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm? Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để có thể giải quyết tận gốc tình trạng tham nhũng vặt?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Đấu tranh với những “cái xấu” trong đó có tham nhũng vặt, trên thực tế có mấy con đường:

1. Bằng biện pháp giáo dục để người ta sống đàng hoàng, không theo cái xấu, chống lại cái xấu;

2. Bằng biện pháp tổ chức thông qua việc đưa ra các quy định để người thực hiện không thể thực hiện được “cái xấu”;

3. Bằng chế tài trong đó có: chế tài bằng sự lên án thông qua dư luận; chế tài hành chính thông qua hình thức kỷ luật, xử phạt hành chính của tổ chức; chế tài bằng biện pháp hình sự.

Ông Phí Ngọc Tuyển đang giải đáp câu hỏi của bạn đọc Hoàng Thị Hoà (tp Hồ Chí Minh)
Ông Phí Ngọc Tuyển đang giải đáp câu hỏi của bạn đọc Hoàng Thị Hoà (tp Hồ Chí Minh)

Luật phòng chống tham nhũng 2018 được xây dựng theo hướng như tôi nói ở trên, theo đó

1.    Xác định trách nhiệm của cơ quan truyền thông, cơ sở giáo dục đào tạo và các cơ quan, tổ chức phải tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức công dân cho mọi tầng lớp nhân dân và người có chức vụ, quyền hạn.

2.    Quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về thực hiện định mức, tiêu chuẩn; về kiểm soát xung đột lợi ích; về kiểm soát tài sản; về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý (các biện pháp phòng ngừa); quy định các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tiếp nhận và giải quyết thông tin phản ánh, báo cáo, tố cáo để phát hiện tham nhũng (các biện pháp phát hiện); về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

3.    Quy định về xử lý tham nhũng và vi phạm về pháp luật phòng chông tham nhũng có những điểm mạnh hơn như:

+ Xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng cả khi về hưu, thôi việc, chuyển công tác khác;

+ Người có hành vi tham nhũng là người đứng đầu hoặc cấp phó sẽ tăng hình thức kỷ luật;

+ Người bị kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên cho thôi việc;

+ Công khai về xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng bằng cung cấp thông tin cho báo chí theo pháp luật về báo chí (việc này giúp cho dư luận có thông tin về cái xấu để lên án).

Các công cụ, giải pháp để chống tham nhũng vặt đã có đầy đủ, thách thức của chúng ta giờ đây là thực hiện. Đảng, Nhà nước đã rất quyết tâm, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐTƯ về PCTN, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhưng thành hiện thực thì  cần sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Và cần sự hợp tác tích cực của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, ứng xử văn minh.

Đặt câu hỏi với ông Phí Ngọc Tuyển, bạn đọc Quách Thu Phương, Quảng Nam cho biết nhiều ý kiến cho rằng, vì lợi ích cục bộ mà một số bộ ngành, địa phương sẽ viện nhiều lý do để không muốn từ bỏ những thủ tục, điều kiện mà thông qua đó họ có thể lợi dụng nhằm trục lợi. Chính vì vậy các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng vặt sẽ gặp khó khăn khi triển khai. Bạn đọc Quách Thu Phương đề nghị ông Tuyển cho biết ông đánh giá thế nào về ý kiến này? 

 Ông Phí Ngọc Tuyển: Nhận định và đánh giá như trên chưa thật đúng.

-       Quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tuân thủ khá chặt chẽ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó:

+ Các văn bản phải đảm bảo tuân thủ hiến pháp và pháp luật hiện hành; đảm bảo tính khả thi; theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

+ Quá trình xây dựng và ban hành phải được công khai thông qua lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; thẩm định của cơ quan tư pháp để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, yêu cầu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

-       Thực tiễn, hiện nay trên một số lĩnh vực còn nhiều quy định (do các bộ, ngành, địa phương ban hành) chưa đồng bộ, trong đó còn có những kẽ hở, thủ tục thực hiện còn rườm rà mà bị người thực hiện lợi dụng gây khó khăn, nhũng nhiễu thì chủ yếu do trình độ xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản đó còn có hạn. Nếu có vấn đề vụ lợi trong ban hành văn bản thì đó có lẽ là loại tham nhũng lớn, tham nhũng chính sách rồi chứ không phải là để tham nhũng vặt nữa.

Ông Phí Ngọc Tuyển cho rằng, muốn chống tham nhũng vặt hiệu quả, cần sự hợp tác tích cực của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, ứng xử văn minh.
Ông Phí Ngọc Tuyển cho rằng, muốn chống tham nhũng vặt hiệu quả, cần sự hợp tác tích cực của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, ứng xử văn minh. 

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân để dẫn đến nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Ngoài kẽ hở của chính sách, pháp luật còn có nguyên nhân khác, đó là:

+ Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa gương mẫu, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; chưa thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình thực hiện quy tắc, đạo đức, trách nhiệm công vụ; thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công vụ đối với đơn vị, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền để phát hiện, xử lý; xử lý không nghiêm người vi phạm, thậm chí có nơi còn bao che, ngụy biện khi bị các cơ quan, báo chí, người dân phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm; việc tiếp nhận đơn, thư, phản ánh, góp ý của người dân, doanh nghiệp chưa được chú trọng, còn hình thức;

+ Ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận công chức, viên chức trong một số lĩnh vực yếu kém, thiếu tu dưỡng, rèn luyện; cơ quan, đơn vị thiếu biện pháp hữu hiệu để giáo dục, kiểm tra, kiểm soát;

+ Cải cách hành chính tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề còn phải làm như đội ngũ công chức, viên chức thiếu chuyên nghiệp; bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân định trách nhiệm thiếu rõ ràng; thủ tục hành chính còn rườm rà; thiếu biện pháp kiểm tra, giám sát hiện đại; chưa lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu …

+ Môi trường tốt cho tham nhũng vặt còn là tình trạng không tuân thủ pháp luật, lối hành xử thiếu văn minh của một bộ phận người dân, doanh nghiệp.

Bạn đọc Lê Thị Hoa ở Thanh Hóa hỏi: Tham nhũng vặt diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng dư luận rất bức xúc với nạn “mãi lộ” của không ít cảnh sát giao thông, cũng vì vậy trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ người dân chống lại lực lượng này. Ông có cho rằng tham nhũng vặt là một trong những nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ?

Ông Đào Trung Hiều: Tính nguy hiểm của tham nhũng vặt không phải ở cái phong bì doanh nghiệp và người dân phải đưa cho người có chức vụ,quyền hạn, ở trị giá tài sản đưa và nhận hối lộ, mà nằm ở sự mất lòng tin của người dân vào cán bộ ở các cơ quan công quyền.

Đảng không phải là một khái niệm trừu tượng, hình ảnh của Đảng hiện ra ở hành vi của cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền. Khi những người này có hành vi không chuẩn mực, hành dân để trục lợi, tất yếu sẽ dẫn đến sự không tin tưởng, thậm chí là coi thường, thiếu tôn trọng vào pháp luật và người đại diện cho nó.

Ông Đào Trung Hiếu đang trả lời câu hỏi của độc giả
Ông Đào Trung Hiếu đang trả lời câu hỏi của độc giả 

Từ việc không tôn trọng, coi thường pháp luật vì sự không nghiêm minh, người dân có xu hướng bất tuân những yêu cầu của cán bộ thừa hành nhiệm vụ, thậm chí là chống đối, cản trở hoạt động bình thường của nhân viên công lực. Hiện tượng người dân chống đối CSGT xảy ra trong những năm qua, có thể xuất phát từ đặc điểm tâm lý này. Nếu một người từng phải trả tiền mãi lộ, tôi nghĩ sự tôn trọng của họ đối với lực lượng làm việc trên đường sẽ bị suy giảm.

Khi xung đột về lợi ích, trên cái nền đã không tôn trọng, đã coi thường pháp luật, thì những phản ứng thái quá, bất tuân, thách thức,thậm chí là chống đối, tấn công lại lực lượng thực thi nhiệm vụ, rất dễ xảy ra. Trong nhiều năm qua, Bộ Công an đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, tăng cường chấn chỉnh cán bộ chiến sỹ về tư cách tác phong, đạo đức công vụ trong tiếp xúc với nhân dân, để giữ gìn hình ảnh phụng công vô tư, phòng ngừa sai phạm.

Bạn đọc Nguyễn Thế Hải ở TP Hải Phòng kiến nghị nên lắp đặt camera giám sát ở tất cả những nơi diễn ra việc giải quyết thủ tục hành chính. Thậm chí tại những địa điểm mà cảnh sát giao thông cắm chốt làm nhiệm vụ ngoài đường cũng phải có camera 24/24, đồng thời yêu cầu cảnh sát giao thông phải lập biên bản xử phạt tại nơi mà camera có thể ghi hình một cách rõ ràng chứ không được khuất lấp phía sau phương tiện giao thông...Ý kiến của ông về quan điểm này như thế nào?

Ông Đào Trung Hiếu: Tôi nghĩ rằng đây là một đề xuất mang tính khả thi và cần thiết. Vì tâm lý của người thừa hành công vụ rất sợ bị phát hiện những sai phạm cố ý của mình vì mục đích vụ lợi. Bởi khi có sai phạm bị phát giác, đồng nghĩa với việc người đó phải đối diện với các chế tài kỷ luật. Việc lắp camera có tính răn đe rất cao, mọi cử chỉ, hành vi bị lưu lại…khiến bất cứ ai có ý định xấu sẽ chùn tay, sẽ phải làm việc theo đúng quy định và có tác phong chuẩn mực.

Nhiều độc giả quan tâm gửi câu hỏi tới ông Đào Trung Hiếu
Nhiều độc giả quan tâm gửi câu hỏi tới ông Đào Trung Hiếu 

Bạn đọc Đào Đăng Nghĩa ở Bình Định hỏi: Bản thân tôi là cán bộ nhà nước, nhưng nhiều khi đi làm thủ tục đất đai, như chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay sang tên quyền sử dụng đất cho con..., tôi cũng phải có phong bì lót tay cho cán bộ địa chính (có khi là do cán bộ địa chính gợi ý, có khi là tôi chủ động) và sau mỗi lần đưa phong bì thì công việc của tôi được giải quyết nhanh hơn hẳn. Biết được việc này, một hàng xóm cạnh nhà tôi đã nhờ tôi giới thiệu đến vị cán bộ địa chính mà tôi đã giao tiếp nhiều lần để làm thủ tục đất đai, tất nhiên là người hàng xóm có chuẩn bị sẵn phong bì lót tay cho vị cán bộ kia. Theo ông tôi phải xử lý vụ này ra sao? Có nên giúp hàng xóm của tôi bằng cách này không?

Ông Đào Trung Hiếu: Hành vi môi giới đưa và nhận hối lộ, hành vi lợi dụng ảnh hưởng tác động trái pháp luật đến người có chức vụ quyền hạn để làm, hoặc không làm một việc theo yêu cầu nhằm nhận được lợi ích vật chất, là những hành vi bị pháp luật cấm. Người vi phạm có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không mong muốn. Do đó, theo chúng tôi, anh không nên đứng ra môi giới đưa hối lộ cho cán bộ địa chính trong trường hợp này.

Chuyên gia Đào Trọng Hiếu cho biết, người tham nhũng vặt có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không mong muốn
Chuyên gia Đào Trọng Hiếu cho biết, người tham nhũng vặt có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không mong muốn

Bạn đọc Huỳnh Quang Hải, Đà Nẵng hỏi: Được biết, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 10 về  tăng cường xử lý tham nhũng vặt. Ông có thể cho biết Chỉ thị của Thủ tướng đặt ra mục tiêu như thế nào về xử lý tham nhũng vặt cũng như các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu ấy?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Đúng vậy, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì giúp Chính phủ xây dựng Chỉ thị về chống tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của công chức, viên chức khi giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số giải pháp sau:

-       Đối với yếu tố con người cần tập trung vào trách nhiệm gương mẫu và thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm trong giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; xử lý nghiêm người vi phạm, đặc biệt đối với người đứng đầu không thực hiện tốt nhiệm vụ để xảy ra nhũng nhiễu, phiền Hà …; xử lý ngay người đứng đầu dung túng, bao che sai phạm

-       Rà soát loại bỏ các quy định gây phiền hà; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp; loại bỏ chồng chéo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát bằng biện pháp công nghệ hiện đại;

-       Tăng cường thanh tra công vụ; xử lý nghiêm người vi phạm; không xử lý hành chính đối với vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm;

-       Chính phủ mong muốn các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam, cơ quan truyền thông tăng cường vai trò tuyên truyền để phổ biến sâu rộng pháp luật, lên án hành vi sai trái, tăng cường vai trò giám sát để sớm phát hiện các hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan nhà nước xử lý kịp thời.

Ông Phí Ngọc Tuyển khẳng định, Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tích cực tham gia giám sát, phản ánh cho cơ quan nhà nước về những hành vi, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp, người dân tích cực tìm hiểu và thực hiện pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh, lối ứng xử lành mạnh, tuân thủ pháp luật, kiên quyết không đồng loã, tiếp tay, dung dưỡng các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Ông Phí Ngọc Tuyển khẳng định, Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tích cực tham gia giám sát, phản ánh cho cơ quan nhà nước về những hành vi, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp, người dân tích cực tìm hiểu và thực hiện pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh, lối ứng xử lành mạnh, tuân thủ pháp luật, kiên quyết không đồng loã, tiếp tay, dung dưỡng các hành vi tiêu cực, tham nhũng. 

Bạn đọc Trần Thị Ngà ở Hà Nội hỏi: Ông có cho rằng bên cạnh vấn đề đạo đức công vụ xuống cấp, việc được lót tay bằng những khoản “chi phí bôi trơn” mà doanh nghiệp và người dân phải bỏ ra đã khiến cán bộ thực thi quyền lực Nhà nước nhiệt tình, hăng hái hơn trong công việc và đây cũng là “động lực” để họ giải quyết nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng? 

Ông Đào Trung Hiếu: Trên thực tế, nhiều người có chức vụ quyền hạn cố tình sách nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, để nhận được những khoản tiền chạy chọt, bôi trơn. Khi nhận được khoản tiền hối lộ, họ mới tích cực thực hiện những công việc mà theo chức trách, nhiệm vụ, họ buộc phải làm. Có thể nói trong những trường hợp đó, sự thoả mãn về nhu cầu, lợi ích vật chất chính là yếu tố tâm lý bên trong có vai trò là động cơ thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn sốt sắng, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây chính là nguyên nhân tâm lý của nạn tham nhũng vặt. 

Bạn đọc Trần Văn Nghĩa, Bắc Giang hỏi: Trong Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ  nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN nói chung và tham nhũng vặt nói riêng. Tuy nhiên, trong cơ quan, đơn vị rất ít khi cấp dưới lại tố cáo hành vi tiêu cực của lãnh đạo. Vậy cần cơ chế gì hữu hiệu để bảo vệ cấp dưới khi họ đứng ra tố cáo những sai phạm của cấp trên?

Để tố cáo tham nhũng vặt, ông Phí Ngọc Tuyển hướng dẫn người đó phải tố cáo tới cơ quan có trách nhiệm và trong Luật Tố cáo đã có quy định về bảo vệ danh tính người tố cáo. Còn người nào để lộ danh tính người tố cáo thì sẽ bị xử lý, kỷ luật.
 Để tố cáo tham  nhũng vặt, ông Phí Ngọc Tuyển hướng dẫn người đó phải tố cáo tới cơ quan có trách nhiệm và trong Luật Tố cáo đã có quy định về bảo vệ danh tính người tố cáo. Còn người nào để lộ danh tính người tố cáo thì sẽ bị xử lý, kỷ luật.

Ông Phí Ngọc Tuyển: Để tạo điều kiện cho người cấp dưới tố cáo người cấp trên có hành vi tham nhũng, chúng ta đang có thiết chế là quy định về quyền tố cáo của công dân để người đó có thể thực hiện việc tố cáo. Đương nhiên, người đó phải tố cáo tới cơ quan có trách nhiệm và trong Luật Tố cáo đã có quy định về bảo vệ danh tính người tố cáo. Còn người nào để lộ danh tính người tố cáo thì sẽ bị xử lý, kỷ luật.

Bạn đọc Hoàng Đức Trung, Kon Tum hỏi: Cũng trong Chỉ thị số 10 có nêu là sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, cơ quan chức năng không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ quá 1 lần. Ông có thể nói rõ hơn về quy định này? 

Ông Phí Ngọc Tuyển: Để tránh việc công chức, viên chức yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải đi lại rất nhiều lần để giải quyết một việc của họ thì Chỉ thị của Thủ tướng đợt này yêu cầu các cơ quan phải quy định là khi nhận được hồ sơ yêu cầu của người dân hay doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước phải xem xét một cách toàn diện hồ sơ đó, nếu như thiếu hay chưa đầy đủ về điều kiện thì phải hướng dẫn một cách đầy đủ để người dân có thể đáp ứng hồ sơ 1 lần. Quy định này là để tránh hiện tượng cứ phát hiện một lỗi lại yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải bổ sung và khiến người dân phải đi lại nhiều lần.

Trả lời các câu hỏi của độc giả, ông Phí Ngọc Tuyển khẳng định Đảng, Nhà nước không coi tham nhũng vặt là vặt nữa, mà là vấn đề lớn Đảng, Nhà nước cần quan tâm ngăn chặn. Ông Tuyển cũng nhận định, việc chống tham nhũng vặt phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu cũng như trách nhiệm của người đứng đầu
Trả lời các câu hỏi của độc giả, ông Phí Ngọc Tuyển khẳng định Đảng, Nhà nước không coi tham  nhũng vặt là vặt nữa, mà là vấn đề lớn Đảng, Nhà nước cần quan tâm ngăn chặn. Ông Tuyển cũng nhận định, việc chống tham nhũng vặt phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu cũng như trách nhiệm của người đứng đầu 

Bạn đọc Lê Nghĩa Dũng, Cà Mau hỏi: trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng vặt không?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Thanh tra là một thiết chế kiểm tra sau, cho nên rất ít khi phát hiện ra được hành vi tham nhũng vặt vì loại tham nhũng này thường diễn ra trong một vụ việc cụ thể, ví dụ như anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ phải bắt tại chỗ chứ không thể thanh tra ra được. Hay như thanh tra môi trường nhận tiền thì cũng chỉ có thể bắt quả tang. Hoặc việc nhân viên hải quan nhận tiền cũng vậy. Do đó, giải pháp trong chỉ thị này tập trung vào việc tăng cường thanh tra công vụ và thứ 2 nữa là tăng cường giám sát bằng công nghệ hiện đại, ví dụ camera, ghi âm…

****

Kính thưa Quý độc giả, trong sáng nay (từ 10 h đến 11h30), hai chuyên gia là ông Phí Ngọc Tuyển, chuyên gia nghiên cứu về chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi quan tâm của độc giả về vấn đề tham nhũng vặt. 

Những câu hỏi của độc giả đang tiếp tục gửi về sẽ được chúng tôi chuyển đến các chuyên gia để có phản hồi sớm nhất. 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và theo dõi của Quý độc giả!

 

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...