Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Một số chỉ tiêu cụ thể được xác định là thực hiện tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 10%; Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ cũng hứa cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Chỉ tiêu khác cũng được đề cập là thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30% đến 50% số lượng xe ôtô công trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.
Nói chung là toàn thấy “chuyện vặt vãnh” mà trước đây hình như không ai đến ý. Bác Hồ xưa đã dạy: “Sản xuất mà không tiết kiệm khác gì gió vào nhà trống”. Hình như ta chỉ đến lúc ngân sách không thể chịu nổi nữa thì những chuyện “vặt” mới làm ta giật mình? Điều đó là sự thật, một chỗ rò rỉ có thể làm cạn cả “đại đương” chứ không chỉ là ngân sách nhà nước.
Cũng trong báo cáo, Chính phủ xác định thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phấn đấu năm 2019, giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Phải nói rằng, chưa biết đến bao giờ công chức, viên chức hành chính sống tốt bằng đồng lương. Do vậy không biết đến bao giờ mới hết “tham nhũng vặt”. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức không chỉ nhìn ở thông thạo chuyên môn mà còn ở đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ thường rất khó “định lượng” và không có gì “bảo đảm”.
Do vậy, con đường “cải cách thủ tục hành chính”, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tiến tới xây dựng một nền hành chính công điện tử, lấy phục vụ dân, doanh nghiệp làm giá trị “cốt lõi” thì may ra mới bài trừ được “tham nhũng vặt” đã và đang cản trở các mục tiêu phát triển. “Chuyện vặt” đã đến lúc ta ngộ ra không còn... vặt.