Tán gia bại sản
Năm 1996, ông Đào Trần Thành, khi ấy là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thành, bị Công an TP HCM khởi tố bắt giam do nghi ngờ có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau 4 năm bị khởi tố bắt giam, vụ án mới được đưa ra xét xử và tuyên phạt ông Thành 5 năm tù về tội danh này, mặc dù trong suốt quá trình từ khởi tố đến xét xử ông một mực kêu oan.
Thụ án xong, ông Thành trở về và tiếp tục gửi đơn kêu oan. Ngày 24/12/2002, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xử giám đốc thẩm, xác định không đủ cơ sở kết tội ông Thành “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như bản án các cấp tòa đã tuyên.
Vụ án sau đó được đưa về điều tra xét xử lại. Sau 5 năm, với rất nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn không chứng minh được hành vi của ông Thành có tội, cuối cùng, ngày 7/8/2006, Công an TP HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra với lập luận “do chuyển biến tình hình, hành vi của bị can Thành không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Từ lúc ông Thành bị bắt, doanh nghiệp của ông đã khuynh gia bại sản.
Cũng bị kết tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là ông Lương Ngọc Phi – Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (Thái Bình) được thành lập từ năm 1992. Ông Phi đã lập dự án “Sản xuất nông sản xuất kê hạt – vừng đen (mè) 1996 - 2001” và được Ngân hàng Công thương Thái Bình duyệt cho vay gần 5,5 tỷ đồng. Do bị một số đối tác chậm thanh toán nên Công ty Hòa Bình gặp khó khăn và đã phát sinh nợ quá hạn.
Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ông Phi bị bắt khẩn cấp vào ngày 1/5/1998. Hơn 2 tháng sau, công an tỉnh khởi tố ông Phi thêm tội “Trốn thuế”. Tháng 9/1999, TAND tỉnh tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm…” và 3 năm tù về tội “Trốn thuế”, buộc ông phải bồi hoàn số tiền 475 triệu tiền trốn thuế.
Hơn 7 tháng sau, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ án, kết luận “hành vi của ông Phi không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm”. Còn với tội “trốn thuế”, TANDTC trả hồ sơ về TAND tỉnh để giải quyết lại từ giai đoạn điều tra. Sau 2 lần nữa trả lại hồ sơ thì tội trốn thuế cũng được đình chỉ điều tra. Ngày 30/3/2001, ông Phi được trả tự do, được minh oan sau đúng 1.066 ngày ngồi tù và trong tình trạng… mất sạch tài sản.
Đòi 4 tỷ, “được” 40 triệu
Vụ án oan đầu tiên ở Việt Nam được xem xét bồi thường là vụ việc của doanh nhân Hoàng Minh Tiến. Thời điểm bị bắt về hành vi lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ngày 22/11/1992 , ông Tiến đang là Phó chủ tịch Hội đồng xuất nhập khẩu Liên hiệp sản xuất Việt Nam, Giám đốc điều hành xuất nhập khẩu Liên hiệp khoa học sản xuất Việt Nam và là chủ cửa hàng xuất nhập khẩu tư doanh Đồng Tiến (Dotimexco).
Sau nhiều năm vướng lao lý với 4 lần hầu tòa, tháng 6/1996, TANDTC tuyên ông không phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Khi được minh oan, ông đề nghị được bồi thường 4 tỷ đồng và trả lại một ngôi nhà bị kê biên, tịch thu, song ông chỉ được bồi thường khoảng 40 triệu đồng – một số tiền rất thấp so với yêu cầu.
Với ông Phi, thời điểm ông bị bắt thì Công ty Hòa Bình là một trong số ít doanh nghiệp làm ăn hiệu quả của tỉnh Thái Bình, thường xuyên tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong hơn 1.000 ngày bị oan, “vợ con ông đầu đường cuối chợ nuôi nhau”, công ty bị phá sản hoàn toàn, hàng ngàn hộ nông dân ở Thái Bình mất thu nhập từ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đã ký với công ty…
Vì vậy, từ mức đòi bồi thường oan sai là 18,3 tỷ đồng năm 2004, đến nay mức đòi bồi thường đã lên đến con số “khủng” 55 tỷ đồng. Tất cả những con số đòi bồi thường ấy đều được ông Phi thống kê rành mạch và có cơ sở, đủ các mục như thiệt hại về tinh thần, tổn hại sức khỏe, thu nhập bị mất trong thời gian bị bắt giam, thiệt hại về tài sản bị thu giữ, kê biên…
Vụ việc của ông Phi được TAND tỉnh Thái Bình tách thành 2 phần riêng biệt, một phần giải quyết bồi thường thiệt hại về tinh thần và một phần về tài sản. Phần bồi thường về tinh thần đã được “quy” ra hơn 660 triệu đồng, song hơn 1 năm sau ông mới nhận được và trớ trêu thay số tiền cuối cùng đến với ông mới được khoảng 300 triệu đồng.
Phần bồi thường về tài sản thì may mắn thay, ông Phi đã nhận đủ gần 23 tỷ đồng - số tiền bồi thường oan sai lớn nhất từ trước đến nay – vào tháng 7/2016, sau 18 năm trời đằng đẵng theo kiện.
Được minh oan và được các cơ quan tiến hành tố tụng chính thức “có lời xin lỗi”, với các doanh nhân (và cả những công dân khác) đã là cuộc chiến vô cùng vất vả. Nhưng để có thể thống nhất được mức bồi thường thiệt hại giữa người bị hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại là một câu chuyện dài, thậm chí khó thấy được “hồi kết”.
Một chuyên gia pháp lý đã thành thật chia sẻ rằng, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi người bị thiệt bao giờ cũng mong muốn được bồi thường nhiều hơn trong khi các cơ quan Nhà nước thì cố gắng hạn chế số tiền phải bồi thường đến mức thấp nhất.
Riêng phần về tài sản, chính những người trong cuộc đã có nhiều chia sẻ. Theo ông Tiến, việc yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông khó khăn là vì đại diện của cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường không có đủ thẩm quyền (thường là cán bộ chuyên môn) nên sẽ hạn chế rất nhiều trong việc thương lượng về mức bồi thường và khoản bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần quá thấp so với những gì ông đã trải qua…
Còn ông Phi nhận định, Luật TNBTCNN không thực sự “bứt phá” so với các văn bản pháp luật về TNBTCNN trước đó, nhất là trong những quy định về trình tự, thủ tục trả lại tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu… Quả cũng không ngoa vì Điều 50 của Luật TNBTCNN chỉ có đúng một câu: “Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ”.