10 năm tới có thêm 6 sân bay
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong 10 năm tới, có thêm 6 sân bay mới được quy hoạch đầu tư, xây dựng là Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết và Nà Sản. Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là nguồn vốn để thực hiện các sân bay này trong bối cảnh các dự án trên cần số vốn rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn.
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ GTVT cho biết, thời kỳ 2021-2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với 28 cảng hàng không.
Cụ thể, 14 cảng hàng không quốc tế là Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Về giải pháp huy động vốn đầu tư, đối với cảng hàng không mới, Bộ GTVT cho biết sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). UBND các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Được biết, trong số 6 sân bay mới được quy hoạch xây dựng trước năm 2030 thì sân bay Long Thành đang được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và một số doanh nghiệp nhà nước khác triển khai đầu tư, xây dựng. Để hoàn thành dự án, ACV sẽ phải huy động vốn thương mại hơn 60.000 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư muốn được xây dựng sân bay
Sân bay Phan Thiết được phát lệnh khởi công từ năm 2015 (dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018), nhưng tới đầu năm nay mới có tín hiệu tích cực để triển khai sau nhiều năm tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tỉnh Bình Thuận xác định đây là dự án trọng điểm. Dự án sân bay Phan Thiết điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp tình hình thực tế với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT Bình Thuận, đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng để thi công theo hình thức BOT với nhà đầu tư (NĐT) là Tập đoàn Rạng Đông.
Một dự án sân bay BOT khác là Sa Pa (Lào Cai) sau nhiều lần được điều chỉnh cũng đang có nhiều triển vọng sớm khởi động. Cụ thể, cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay Sa Pa. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 4.180 tỷ đồng. Giai đoạn 2 là hơn 2.765 tỷ đồng (bao gồm hơn 160 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và tái định cư) và hơn 2.604 tỷ đồng xây cảng hàng không.
UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn NĐT đủ năng lực thực hiện dự án. Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, dự án đang được một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn quan tâm, hiện đang thực hiện các thủ tục để đầu tư đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng chấp thuận và yêu cầu NĐT Công ty CP Tập đoàn T&T lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức BOT. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị trình Thủ tướng Chính phủ đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước ở cả 2 giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án riêng, sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2021 - 2024, dự án chuẩn bị và đầu tư xây dựng. Cảng hàng không này sẽ thực hiện theo hợp đồng BOT, NĐT được thu phí để hoàn vốn trong 47 năm 4 tháng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, ngoài T&T muốn được đầu tư, hiện đã có nhiều NĐT cả trong và ngoài nước đặt vấn đề đầu tư sân bay này, có thể kể đến là Tập đoàn FLC, Hãng hàng không Vietjet và một nhà đầu đến từ Thái Lan.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp muốn được đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không do đây là lĩnh vực sôi động, dễ thu hồi vốn, độ rủi ro ít. Việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại cũng dễ dàng hơn vì đây là lĩnh vực kinh doanh giàu tiềm năng ở Việt Nam.