Bị cáo tóc bạc trắng, miệng móm mém
Ngồi trước vành móng ngựa trong phòng xử án TAND TP Hà Nội một ngày đầu tháng 12/2016 là bị cáo tóc bạc trắng, miệng móm mém, tai không còn nghe rõ. Phía dưới người vợ già ngồi lặng thinh. Bà vừa đóng vai trò người thân của bị cáo, đồng thời là nhân chứng vụ việc chồng sát hại em trai.
Ngồi ở hàng ghế sau cùng là người phụ nữ trung tuổi miệng không ngớt lời mắng mỏ. Ba người ánh mắt hướng về ba nơi khác nhau. Họ từng là những người thân thiết trong một gia đình, nhưng vì mâu thuẫn đất đai dồn nén, tích tụ khiến ông lão ở tuổi “thất thập cổ lai hy” gây ra án mạng nghiêm trọng.
Thấy HĐXX bước vào, bị cáo Nguyễn Văn Soi (SN 1944, ngụ thôn Mùi, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chân tay run rẩy xin HĐXX được phép ngồi. Bắt đầu vào phần thủ tục xét xử, mặc dù vị chủ tọa nói rất lớn nhưng bị cáo đều lắc đầu “không nghe thấy gì cả”. Người cháu gái của ông lão trở thành “phiên dịch viên” bất đắc dĩ.
Đầu đuôi sự việc như sau: Ông Soi và ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1954) là anh em cùng cha khác mẹ. Do tranh chấp mua bán đất của tổ tiên để lại nên giữa hai người thường xảy ra mâu thuẫn. Ngày 21/5/2016, ông Hùng cùng con trai tên Dũng và một số người khác trong gia đình đến phần đất tranh chấp liền kề nhà ông Soi đập bức tường bao quanh do ông Soi xây nên trước đó.
Bực tức, ông Soi làm đơn tố cáo em và cháu ra chính quyền. Kết quả, bố con ông Hùng bị Công an huyện Thanh Oai khởi tố về việc hủy hoại tài sản. Vì vậy, giữa gia đình ông Soi và em trai mâu thuẫn lại càng căng thẳng.
Khoảng 12h5 ngày 26/12/2015, ông Soi đang ngồi xem vô tuyến tại nhà thì nghe tiếng em trai đứng ở ngoài đường mắng mỏ vọng vào. Thấy vậy, ông đi ra cổng sát cửa phía trong sân hỏi: “Thế làm sao?”. Người em trai bị cho là tỏ thái độ hằn học đáp lại: “Sao mày cho thằng Dũng đi tù” (ý nói ông Soi tố cáo nên con mình bị khởi tố - PV).
Ông Soi giải thích: “Đấy là việc của nhà nước bắt chứ làm sao tao có quyền bắt Dũng đi tù”. Người em vẫn chửi và co chân đạp vào cửa nhà anh. Ông cụ 71 tuổi hỏi: “Mày thích đánh nhau à?”. Người em bị cho là thách thức: “Đố mày đấy”.
Ông Soi chạy vào nhà lấy một con dao chạy ra. Thấy anh cầm dao, người em tiếp tục thách thức: “Tao đố mày dám mở cửa”. Ông Soi liên tiếp vung hai lần. Nạn nhân bước đi được 5m thì gục ngã xuống đường. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông Hùng đã tử vong. Về phần thủ phạm, sau khi gây án đã tự đến công an xã trình diện.
Con nạn nhân: “Mong tòa xem xét mức án nhẹ nhất”
Tại tòa, khi được hỏi về hành động đâm chết em trai, bị cáo trả lời: “Lúc đó bối rối quá không biết gì cả. Trước đây anh em vẫn thường uống rượu với nhau”. Bị cáo cho biết vì đất đai nên anh em xảy ra mâu thuẫn, vài lần công an có đến giải quyết đều không thành. Trước đó, bị cáo nghe thấy em trai chửi bới nên chạy ra xem chứ không có ý định giết người:
“Từ cổng vào đến nhà khoảng 5m mà ông Hùng chửi bị cáo còn nghe thấy. Nay bị cáo ngồi cách HĐXX 2m sao lại không nghe thấy”. Trả lời câu hỏi của chủ tọa, luật sư bào chữa cho bị cáo giải thích cách đây một năm tai bị cáo vẫn nghe rõ. Nhưng từ khi bị giam, do sức khỏe giảm sút lại bị bệnh cao huyết áp cao nên lãng tai.
Vị chủ tọa hỏi tiếp bị cáo nhận thức như thế nào về hành động dùng dao đâm chết em trai. Bị cáo Soi nói rằng chỉ nhằm “dọa” em nhưng không ngờ gây nên án mạng. Tương tự, nhiều tình tiết trong vụ án bị cáo trả lời không nhớ rõ.
“Chỉ là dọa tại sao bị cáo đã đâm nhát đầu tiên còn đâm nhát tiếp theo?”. Bị cáo im lặng sau đó trả lời vì em trai đạp vợ ngã khiến bản thân tức giận không làm chủ hành vi. Tự nhận xét về hành động của mình, bị cáo móm mém trả lời: “Mình là anh làm như vậy là hơi sai”. “Ông giết một mạng người mà nói hơi sai ư?”, vị chủ tọa nghiêm giọng.
Vợ bị hại vì nghe tiếng được tiếng mất nên ủy quyền cho con trai trả lời trước tòa. Anh này cho biết bố đã mất, người bác đã có tuổi gây hậu quả nghiêm trọng. “Dù bác gây ra tội nhưng nay đã tuổi già sức yếu, nay ngồi đây, chẳng biết sẽ ra đi lúc nào. Thú thật tôi chỉ mong bác bị tù từ 1-2 năm. Mong tòa xem xét mức án nhẹ nhất để người bác sớm trở về với gia đình dòng họ”. Ngoài ra, gia đình bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần và số tiền mai táng là hơn 177 triệu đồng.
“Đừng để mâu thuẫn kéo dài đến đời con cháu”
Trong khi đó vợ bị cáo đồng thời là nhân chứng của vụ án thuật lại: Hôm xảy ra sự việc, trời mưa to, bà bị ốm nên nằm trong nhà. Khi nghe thấy tiếng em trai chửi, bà chỉ khuyên chồng mặc kệ: “Ông ấy lôi cả bố mẹ tôi ra chửi. Trước đó, gia đình ông Hùng từng đánh tôi thập tử nhất sinh nên tôi khuyên chồng mặc kệ. Khoảng 12h25’, tôi ra đến nơi đã thấy chồng đâm em rồi. Ông Hùng còn đạp tôi ngã ngửa”, nhân chứng thuật lại.
Nghe tới đây, vợ bị hại đứng dậy tỏ vẻ bức xúc “tố” sau khi chồng bị đâm, chị dâu còn lấy dép đánh vào mặt chồng mình. Người chị dâu phủ nhận. Hai người phụ nữ tiếp tục “đấu khẩu” trước tòa. Vợ bị cáo cho rằng trước đây hai gia đình mâu thuẫn do tranh chấp đất đai, sau đó có khoảng 20 người đến gia đình bà đập phá đồ đạc, trong đó có nạn nhân.
Vị chủ tọa phân tích: “Vì tranh chấp đất đai mà anh em người chết, người vào tù. Giờ mọi người không nên căng thẳng, nếu không dàn xếp được thì nhờ chính quyền. Đừng để mâu thuẫn kéo dài đến đời con cháu”.
Kiểm sát viên nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Cách xử sự của bị cáo là hung hãn, côn đồ. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai nhận, là người già, bị hại có một phần lỗi, gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, nên cơ quan công tố đề nghị mức án từ 18-20 năm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng ông Soi và em trai từng mâu thuẫn hàng loạt. Xảy ra sự việc đau lòng là do bị cáo bị kích động vì em trai thách thức. “Bản án lương tâm với bị cáo chính là mất đi chính người em của mình. Vì vậy, mong HĐXX tuyên mức án thấp hơn đại diện VKS đề nghị”, luật sư nói.
Giờ nghị án, ông lão bị cáo khi gặp người thân chỉ biết khóc nức nở. Buổi chiều cùng ngày, HĐXX tuyên phạt bị cáo Soi 18 năm tù về tội giết người.